Thẻ xanh trong bóng đá: Cuộc cách mạng hay sự lố bịch?

GD&TĐ - Hội đồng Bóng đá quốc tế (IFAB) đã thông qua kế hoạch đưa thẻ xanh vào các trận đấu.

Kế hoạch dùng thẻ xanh của IFAB chưa nhận được sự ủng hộ từ các huấn luyện viên, tổ chức bóng đá. Ảnh minh họa: ITN.
Kế hoạch dùng thẻ xanh của IFAB chưa nhận được sự ủng hộ từ các huấn luyện viên, tổ chức bóng đá. Ảnh minh họa: ITN.

Hội đồng Bóng đá quốc tế (IFAB) đã thông qua kế hoạch đưa thẻ xanh vào các trận đấu. Tuy nhiên, quyết định này đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt, trong đó có chính… Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).

Sự khác biệt

Theo tờ The Telegraph (Anh), IFAB đã ký phê chuẩn kế hoạch sử dụng thẻ xanh. Đây là chiếc thẻ mới đầu tiên của môn thể thao vua sau thẻ vàng và thẻ đỏ được ra đời từ World Cup 1970.

Thẻ xanh sẽ được sử dụng trong trường hợp cầu thủ phạm lỗi thô bạo, thể hiện sự bất đồng quan điểm thái quá với trọng tài, hoặc ngăn cản một pha tấn công có thể dẫn đến bàn thắng mà chưa đến mức phải rút thẻ đỏ. Cầu thủ bị phạt thẻ xanh sẽ phải rời sân trong 10 phút, sau đó quay trở lại thi đấu tiếp.

Nếu cầu thủ đó tiếp tục nhận thêm 1 thẻ xanh, hoặc 1 thẻ vàng thì sẽ bị đuổi khỏi sân cho đến hết trận. Thông báo của IFAB cho biết, sự ra đời của thẻ xanh nhằm “chấn chỉnh” hành vi và thái độ của cầu thủ, bởi các cuộc tranh cãi và hành động phạm lỗi trên sân cỏ đang gia tăng ở mức báo động.

IFAB thông tin thêm, việc thử nghiệm thẻ xanh không được tiến hành ngay ở những giải đấu cấp cao. Thay vào đó, FA Cup, giải đấu cúp lâu đời nhất thế giới có sự tham gia của hàng loạt câu lạc bộ lớn Ngoại hạng Anh và FA Cup nữ mùa tới trở thành nơi thí điểm cho cuộc “cách mạng” của IFAB.

Trên thực tế, thẻ xanh đã được IFBA thử nghiệm với phạm vi hạn chế ở giải bóng đá hạng thấp tại Thụy Điển và xứ Wales. Kết quả được cho là khả quan.

Theo ông Lukas Brud – đại diện IFAB phát ngôn nêu quan điểm: “Chúng tôi đã xác định hành vi xấu của cầu thủ là một vấn đề nghiêm trọng đối với bóng đá, đồng thời xem xét những gì có thể làm thông qua những thay đổi đối với luật chơi. Việc đuổi cầu thủ khỏi sân trong khoảng thời gian nhất định có thể là một biện pháp răn đe lớn hơn so với lời cảnh cáo”.

Ngoài ra, thẻ xanh từng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Đơn cử như ở giải vô địch quốc gia Uruguay cách đây 20 năm, thẻ này dùng để truất quyền cầu thủ trong 5 phút. Thẻ xanh cũng từng là tín hiệu của trọng tài cho phép đội ngũ y tế vào sân.

Nhưng đến năm 2003, IFAB đã bãi bỏ điều này và trọng tài có thể triệu tập đội ngũ y tế chỉ với hành động vẫy 2 tay. Thẻ xanh được sử dụng ở Italy nhưng là sự tôn vinh hành động đẹp của cầu thủ như thừa nhận phạm lỗi, ngăn đồng đội xô xát...

Cầu thủ Tottenham phản đối trọng tài Paul Tierney trong trận gặp Man City vòng 4 FA Cup ngày 21/1. Ảnh: ITN.

Cầu thủ Tottenham phản đối trọng tài Paul Tierney trong trận gặp Man City vòng 4 FA Cup ngày 21/1. Ảnh: ITN.

Tranh cãi nảy lửa

Mặc dù vậy, cuộc cách mạng về thẻ như tham vọng của IFAB đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ nhiều phía. Ông Aleksander Ceferin – Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu cho rằng, sự hiện diện của thẻ xanh theo ý tưởng của IFAB khiến cuộc chơi không còn là bóng đá.

Các trận đấu còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thay đổi hơn là làm phức tạp thêm về thẻ phạt, bởi thẻ vàng và thẻ đỏ vẫn đang phát huy đầy đủ về pháp lý cũng như tính răn đe, bảo đảm cuộc chơi công bằng, an toàn cũng như chất lượng chuyên môn.

Liên đoàn Bóng đá Thế giới cũng đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn làm rõ rằng những thông tin về thẻ xanh ở các cấp độ bóng đá cao cấp là không chính xác và quá sớm”.

Cựu tiền vệ Mesut Ozil, người từng khoác áo Real Madrid và Arsenal bình luận trên Twitter cá nhân có hơn 26 triệu người theo dõi rằng, tấm thẻ mới sẽ khiến một số câu lạc bộ “chơi rắn” phải đá thiếu người trầm trọng.

Trong đó, cựu tuyển thủ Đức công khai đặt ra khả năng, Atletico Madrid, đội bóng kình địch của Real Madrid nổi tiếng đá rắn có thể chỉ còn đá với… 6 người trên sân. Đây cũng là điều mà nhiều huấn luyện viên lo ngại.

Cựu trọng tài Ngoại hạng Anh, ông Mark Halsey phản đối ý tưởng áp dụng thẻ xanh đuổi cầu thủ khỏi sân trong 10 phút.

“Rồi ai còn được thưởng thức một trận đấu thú vị khi được phân định bằng thẻ xanh? Hãy tưởng tượng xem một trận đấu trở nên lố bịch giữa đội 9 người với đội 7 người. Tôi không thấy sự khác biệt giữa thẻ vàng hiện tại và thẻ xanh mới này. Thẻ vàng đã được sử dụng như một lời cảnh báo cho các cầu thủ rằng nếu họ tiếp tục có hành vi sai trái thì sẽ bị trừng phạt thêm. Vậy sự khác biệt là gì? Chúng tôi không cần thẻ xanh nếu các trọng tài điều khiển trận đấu đúng cách ở dạng hiện tại”, ông Mark Halsey phát biểu trên tờ The Sun.

Huấn luyện viên Pochettino của Chelsea đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh sự xuất hiện của thẻ xanh.

“Bóng đá hiện đại có công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài, và chúng ta đã nói rất nhiều về mặt trái của nó. Vậy nên, tôi không biết thẻ xanh sẽ áp dụng cụ thể như thế nào trên sân? Rất khó để tạo ra sự nhất quán trong các quyết định. IFAB đang cố gắng mang lại một số quy tắc mà tôi e rằng không mang lại lợi ích cho các trận đấu. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thủ môn bị phạt thẻ xanh?”, chiến lược gia người Argentina chia sẻ quan điểm.

Trong khi đó, huấn luyện viên Postecoglou (Tottenham) phê phán kịch liệt kế hoạch của IFAB. “Thẻ xanh sẽ phá hủy trận đấu. Đội bóng bất lợi về nhân sự cố gắng câu giờ trong thời gian thiếu người. Tôi không thấy sự khác biệt nào khi xuất hiện chiếc thẻ màu khác. Rút thẻ vàng hoặc đuổi ai đó khỏi sân”, Postecoglou nói.

IFAB, được thành lập vào năm 1886, là tổ chức duy nhất trên thế giới sở hữu, quản lý và có quyền thay đổi luật bóng đá. Tổ chức này tồn tại độc lập với FIFA đến tận bây giờ. Khi FIFA được thành lập vào năm 1904 thì tổ chức này tôn trọng tuyệt đối luật bóng đá của IFAB.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ