Thẻ thông tin - 'đũa thần' trong đọc hiểu ở môn Ngữ văn

GD&TĐ - Nếu không nắm chắc phần tri thức đọc hiểu học sinh sẽ khó thực hiện hoạt động đọc hiểu một văn bản đọc hiểu cụ thể...

Tri thức đọc hiểu về thể thơ lục bát.
Tri thức đọc hiểu về thể thơ lục bát.

Tri thức đọc hiểu trong sách giáo khoa Ngữ văn (hầu hết ở các bộ sách được biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 hiện hành) là phần kiến thức cốt lõi nhưng lại mang tính hàn lâm, khá nặng nề và khô khan đối với học sinh.

Yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (CT NV 2018) không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ, tuy nhiên nếu không nắm chắc phần tri thức đọc hiểu học sinh sẽ khó thực hiện hoạt động đọc hiểu một văn bản đọc hiểu cụ thể, và qua đó là hình thành kĩ năng đọc hiểu thể loại văn bản. Mặt khác, lứa tuổi học sinh rất thích những hoạt động vẽ trang trí, tự tay sáng tạo (handmade) và sưu tầm vật thể.

Vì vậy, nếu tổ chức được một dạng hoạt động học tập có thể phát huy hứng thú vừa nêu của học sinh, đồng thời giúp học sinh “đọc gần” (đọc kĩ, close reading) đối với phần tri thức đọc hiểu thì rất có ý nghĩa đối với học sinh trong việc học tập môn Ngữ văn.

Dạng hoạt động học tập đó là hướng dẫn học sinh tạo thẻ thông tin, một công cụ hiệu quả kết nối hứng thú sáng tạo của học sinh với nội dung tri thức đọc hiểu của từng bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn (SGK NV).

Tổ chức cho học sinh làm thẻ thông tin

Cấu trúc SGK NV phần lớn có 10 bài học chính, mỗi bài học là một chủ điểm (giáo dục một phẩm chất cụ thể, biểu hiện của một trong năm phẩm chất chủ yếu quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và dạy kĩ năng đọc hiểu một thể loại bên cạnh các kĩ năng viết, nói và nghe). Vì vậy, mỗi bài sẽ có phần tri thức đọc hiểu riêng, phục vụ cho việc đọc hiểu thể loại của các văn bản có trong chủ điểm (Văn bản 1, 2 và 4 của chủ điểm).

Theo trình tự hoạt động dạy học, mỗi chủ điểm đều cần có hoạt động hướng dẫn học sinh nắm rõ vấn đề của cả chủ điểm (trong đó có yêu cầu cần đạt) để học sinh chủ động huy động kiến thức, kĩ năng đã có vào việc hình thành kiến thức, kĩ năng mới. Hoạt động này nằm ở tiết đầu của chủ điểm. Giáo viên hướng dẫn học sinh làm thẻ thông tin đối với phần tri thức đọc hiểu như sau:

+ Giới thiệu mẫu: Thẻ thông tin có 2 mặt, mặt ghi từ khóa, mặt ghi nội dung của từ khóa.

+ Giáo viên cùng học sinh đọc và tìm các từ khóa có trong phần tri thức đọc hiểu.

+ Từng cặp học sinh nêu từ khóa và nội dung tương ứng của từ khóa.

+ Gợi ý học sinh cách viết, cách trang trí và đóng lại thành bộ sưu tập.

+ Học sinh về nhà tự tạo ra các thẻ thông tin.

+ Tổ chức trưng bày sản phẩm thẻ thông tin.

+ Học sinh xem, nhận xét sản phẩm của nhau.

+ Giáo viên đánh giá, cộng điểm thưởng.

Học sinh xem trưng bày thẻ thông tin.

Học sinh xem trưng bày thẻ thông tin.

Có thể thấy, hoạt động làm thẻ thông tin trong giờ đọc hiểu môn Ngữ văn có phạm vi áp dụng khá rộng, học sinh các khối lớp đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn đều có thể thực hiện được, bởi một trong các ưu điểm của hoạt động này là không tốn kém nhiều chi phí, vật liệu chỉ là những tấm giấy, những bút màu… mà các em đã sẵn có.

Hoạt động này có thể mang đến một số hiệu quả như sau:

a) Kết quả định tính kì vọng:

- Học sinh sẽ đọc kĩ, đọc nhiều lần phần tri thức đọc hiểu.

- Học sinh dễ dàng hơn trong việc vận dụng tri thức đọc hiểu vào văn bản.

- Hứng thú hơn đối với môn Ngữ văn, góp phần khắc phục được tâm lí ngại phần kiến thức lý thuyết văn học.

b) Thống kê định lượng kì vọng:

- Số học sinh có sản phẩm thẻ thông tin: 100%

- Số học sinh thỉnh thoảng có làm thẻ thông tin: 30%

- Số học sinh thường xuyên có làm thẻ thông tin: 50%

- Số học sinh hoàn tất đủ bộ thẻ thông tin của tất cả bài học: 20%.

Mở cánh cửa tri thức văn học

Trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục, cụ thể là áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một chương trình được đánh giá là có sự tiến bộ, khoa học vào thực tiễn dạy và học trong nhà trường phổ thông còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí có những bước đi còn mang tính chất thăm dò, thì một số những hoạt động dạy và học cụ thể như làm thẻ thông tin chỉ là những gì quá vi mô, song nó lại là một trong những minh chứng của sự đổi mới đang dần được hiện thực hóa.

“Các hệ thống, các tổ chức đều không thể thay đổi một cách triệt để; chúng chỉ có thể thực sự chuyển đổi khi có sự thay đổi căn cơ trong chính bản thân chúng ta. Cá nhân là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải hệ thống” [3;15]. Quan điểm giáo dục của

J.Krishnamurti có thể giúp chúng ta tự thân soi đường trên hành trình của mỗi chúng ta, những cá nhân có vị trí, bối cảnh của mình mà thực hiện các hoạt động giáo dục sao cho có ý nghĩa nhất trong tầm của mình, mà không cảm thấy như mang lấy hòn đá tảng của vị thần Sisyphus.

______________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD ĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông - Môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD ĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội.

[3] J. Krishnamurti (2019), Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Đinh Hồng Phúc dịch), NXB Hồng Đức, HCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ