Thể nghiệm mới cho nghệ thuật xiếc

GD&TĐ - Nếu như kịch nói dùng ngôn ngữ đối thoại, kỹ thuật biểu diễn của diễn viên để truyền tải nội dung câu chuyện kịch cho khán giả, thì kịch xiếc chỉ dùng kỹ thuật biểu diễn xiếc để thể hiện. 

Thể nghiệm mới cho nghệ thuật xiếc

Đây là một loại hình không quá mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì đó lại là một loại hình nghệ thuật mới được khám phá và thể nghiệm.

Thể loại đặc biệt

Xiếc là bộ môn nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi những động tác, kỹ xảo kỳ lạ, những hành động phi thường thể hiện những năng lực tiềm ẩn bên trong con người. Bởi vậy để khán giả hiểu được câu chuyện kịch qua ngôn ngữ xiếc là một điều hết sức khó khăn. Một trong những hạn chế là ngôn ngữ xiếc từ trước đến nay hầu như chỉ là những tiết mục đơn lẻ đòi hỏi sự khéo léo và mạo hiểm. Để tập được những tiết mục cá nhân cũng đã phải mất thời gian hàng tháng trời và tất cả các diễn viên đều đã qua khổ luyện ngay từ độ tuổi thơ ấu. Bởi vậy, việc dùng ngôn ngữ xiếc để truyền tải một câu chuyện văn học cho khán giả hiểu được là điều khó khăn hơn rất nhiều.

Trên thực tế mỗi một diễn viên xiếc trong quá trình đào tạo đến khi ra nghề cũng chỉ lựa chọn cho mình một số tiết mục để khổ luyện mới mong biểu diễn trước công chúng. Trong khi nếu là một diễn viên kịch thì họ có thể được tung tẩy thử nghiệm trên nhiều kiểu vai diễn khác nhau. Rõ ràng về đất diễn của diễn viên xiếc cũng thu hẹp hơn nhiều. Hơn nữa không phải kịch bản nào ngôn ngữ xiếc cũng có thể truyền tải được trên sân khấu xiếc. Đó chính là những rào cản đối với loại hình kịch xiếc này.

Cái khó ở đây là để ngôn ngữ xiếc truyền thống trở thành “kịch xiếc” thì người đạo diễn phải biết cách chọn lựa các kỹ thuật xiếc của từng tiết mục đơn lẻ, sau đó ráp nối làm sao cho phù hợp với kịch bản đã định sẵn. Tuy nhiên về vấn đề kịch bản, người đạo diễn cũng phải biên tập lại để cho câu chuyện mà anh ta định kể cho khán giả phải phù hợp với những kỹ thuật xiếc kia.

Mạnh dạn thử nghiệm

Vài năm gần đây, các tiết mục xiếc đã được dàn dựng dưới nội dung những câu chuyện lồng ghép trong đó như Huyền thoại xứ Ai Cập - chuyện về công chúa Hamura cứu cha, Chúa tể rừng xanh – Ngày hội muông thú... Tuy nhiên đấy mới chỉ là những câu chuyện thiếu nhi đơn giản chưa có lớp lang tình huống kịch rõ rệt. Câu chuyện Chúa tể rừng xanh hội tụ nghệ thuật xiếc người, xiếc thú. Câu chuyện kể về một cậu bé bị lạc vào trong rừng xanh, cậu bé thích nghi với cuộc sống trong rừng và trở thành Tarzan - chúa tể rừng xanh.

Tarzan làm bạn cùng muông thú, cứu giúp những người gặp hoạn nạn. Một ngày nọ, có một cô gái gặp nguy hiểm trong rừng đã được Tarzan cứu giúp… Tiết mục xiếc hấp dẫn đã được thể hiện trên nền một câu chuyện, xong vẫn chủ yếu là phô diễn những động tác nhào lộn khéo léo và mạo hiểm mà chưa thực sự được đầu tư về yếu tố kịch trong đó.

Mới đây, với vở kịch xiếc Chuyện tình nàng Ngọc Nữ của đạo diễn trẻ Đào Ngọc Hà đã ra mắt khá thành công và nhận được sự mến mộ của đông đảo khán giả. Đây mới thực sự là cách thể nghiệm mới mẻ cho loại hình nghệ thuật này. Xuyên suốt vở kịch xiếc là nội dung thông điệp: Hạnh phúc không phải là cái đạt được, sở hữu được. Hạnh phúc khi đã đạt được rồi không phải là tồn tại mãi, mỗi người trong chúng ta luôn phải phấn đấu từng ngày, từng giờ để có được hạnh phúc.

Đây là vở công diễn đầu tay và cũng là bài thi tốt nghiệp của đạo diễn Đào Ngọc Hà. Anh hiện đang làm việc trong Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Đào Ngọc Hà đã chia sẻ: Về việc mình từng theo học diễn viên, đạo diễn và trải qua một giai đoạn rất dài để định hình hướng đi của mình. “Tôi bắt gặp kịch xiếc như một duyên cơ tự nhiên, từ đó trở đi tôi yêu và đam mê nó từ khi nào không hay” - anh tâm sự như vậy.

Theo anh với sự phát triển của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội thì các chương trình kịch mục của đơn vị mình sẽ đi theo hướng là xây dựng những vở kịch có nội dung, có cốt truyện mang ý nghĩa giáo dục mà vẫn đảm bảo về chất lượng của ngôn ngữ đặc thù là nghệ thuật xiếc. Đây là một hướng đi mới nhằm tự khẳng định mình và là điểm khác biệt với Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ