Thế nào là bàn tay 'đẹp'

GD&TĐ - Con trai thân yêu của mẹ! Mẹ chợt gợn buồn khi con nói, bàn tay mẹ xấu vì nó vừa to vừa thô kệch, chẳng giống tay cô giáo con mà mẹ cũng là cô giáo.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Mẹ cũng đã nghe học trò nhỏ của mẹ nhận xét như vậy nên mẹ cũng không trách phạt hay tự ái về con đâu. Tuổi con còn nhỏ, con cảm nhận thế giới xung quanh còn cảm tính theo hình dạng bên ngoài. Mẹ lấy làm mừng vì lời lẽ ngây thơ của con, con không như “ông cụ non” mà mọi người hay trêu đùa con nữa. Sau này, con lớn hơn, con mà nói vậy mẹ sẽ rất buồn và tủi thân lắm đấy. Bàn tay mẹ vừa nhìn vào nó có hình dạng xấu xí nhưng như thế không có nghĩa là nó “xấu” thật. Dù đôi bàn tay trắng nõn, các ngón tay thon dài búp măng như tay cô tiên nhưng lười biếng hay làm những việc tội lỗi thì không bao giờ “đẹp” được, con trai ạ!

Mẹ luôn tự hào về đôi bàn tay của mình. Từ khi còn học tiểu học, bàn tay này đã biết giúp bà ngoại quét sân nhà, thái bèo cho lợn, nấu cơm bằng bếp rạ đâu có nồi cơm điện như bây giờ. Bàn tay mẹ cũng đã biết kiếm tiền bằng cách xách giỏ theo bà ngoại đi khắp các cánh đồng làng, mò cua bắt ốc bán lấy tiền mua sách vở và nộp học. Ông ngoại mất từ lúc mẹ mới được hai tuổi nên mẹ sớm phải tập làm những việc nặng trong nhà để đỡ đần bà cùng với những vết sẹo do cua cắp nhiều lần để lại nên da nó mới sù sì và nứt nẻ về mùa Đông. Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có, được chiều chuộng, thích gì được nấy, không phải đối diện với cái ăn cái mặc hàng ngày nên dễ có đôi bàn tay nhìn đẹp mắt đâu con ạ! Với mẹ, đôi bàn tay thật quý giá, nó giúp mẹ vượt lên số phận, nếu không mẹ đã bỏ học ngang chừng…

Khi bố còn là của mẹ, hàng ngày mẹ nấu cho bố những món bố thích, là phẳng cho bố những bộ quần áo. Bàn tay mẹ lại vất vả bê từng viên gạch xây nhà. Hạnh phúc của người phụ nữ là sau những ngày mang nặng, chịu những cơn đau vật vã lúc sinh nở, bàn tay lại đón con từ người hộ sinh cho con bú dòng sữa ngọt ngào của mình. Và mẹ cũng vậy. Mẹ cho con ăn, tắm giặt cho con, tay mẹ đắp khăn ướt lúc con ốm sốt, dạy con cách sử dụng đồ chơi và rất nhiều việc khác nữa xuất phát từ tình cảm trong trái tim người mẹ. Chính đôi bàn tay mẹ đã đỡ con những bước đi chập chững đầu tiên. Con vấp ngã, bàn tay của mẹ lại dịu dàng nâng con dậy. Bàn tay thô ráp này con rất thích được mẹ gãi rôm và quạt cho con những tối Hè mất điện nóng nực. Tay mẹ dạy con và nhiều học sinh khác của mẹ nét chữ đầu tiên để biết đọc, làm tính, múa hát và vui chơi…

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Con yêu ơi. Bố đẩy mẹ bế con ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng vì bố đã phải lòng người đàn bà khác. Bố lãng quên con để hưởng hạnh phúc mới của mình. Vì xây nhà trên phần đất của ông bà nội nên mẹ không đủ bằng chứng chứng minh tài sản trong nhà có mồ hôi của mẹ làm ra góp cùng. Đồng lương ít ỏi của mẹ phải trang trải cho những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày nên mẹ không thể cho con một cuộc sống vật chất như mẹ muốn. Mẹ phải làm việc nhiều hơn như cấy thêm ruộng lúa để con có bát cơm no bụng.

Tối đến, mẹ phải đi rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn cách nhà hai cây số. Mẹ thường trở về nhà khi con đã say giấc còn bà ngoại đợi cửa mẹ. Những ngày mưa rét, mẹ run rẩy trong làn áo mưa đạp xe về. Chiếc xe cà tàng long lên sòng sọc khi đi qua chỗ ổ gà. Trên đường không một bóng người, gió buốt cứ thốc qua tai, mưa tạt nước lạnh vào mặt, đêm hun hút sâu còn đường đời sao gập ghềnh mãi thế? Hai tay mẹ đỏ nhừ, tê lạnh, cứng ngắc. Mẹ phải ngâm tay vào nước gừng ấm cho đỡ lạnh.

Tiền công không nhiều nhưng bù cặp thêm vào, hàng tháng mẹ vẫn bỏ ra một khoản nho nhỏ. Như con kiến tha lâu cũng đầy tổ, mẹ có một món tiền gửi tiết kiệm để sau này con học cao hơn sẽ cần đến nó. Mẹ cầu mong sao cho cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi. Nhưng nếu có ngày không may gặp phải chuyện gì bất trắc, có khoản tiền gửi tiết kiệm mẹ đỡ phải lao đao lo lắng chạy vạy…

Con ạ! Bố cũng vẫn còn hai bàn tay lành lặn, khỏe mạnh và làm việc bình thường. Nhưng tay bố không đưa tiền cho mẹ nuôi con như tòa phân xử. Ông nội con cũng có hai bàn tay. Bàn tay ông mười một năm kiên trì chở đất lập cánh đồng trũng thành trang trại chăn nuôi điển hình được xã tặng giấy khen. Bàn tay nội đã viết giấy đoạn tuyệt con sau khi bố mẹ li hôn, nội còn ba lần viết đơn lên trường mẹ nộp yêu cầu đuổi việc mẹ.

Ban giám hiệu nhà trường không tiếp nhận những lá đơn vô lí và tàn độc đó khi công việc mẹ vẫn hoàn thành tốt. Chỉ cần có sức khỏe, khối óc và đôi bàn tay nhất là tình yêu dành cho con mẹ sẽ vượt qua khó khăn, vất vả để nuôi con lớn khôn. Mẹ không thể để cảnh mẹ con mình chết đói chết khát vì đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng” không đủ nuôi thân như lời ông nội con nói được.

Có lúc mẹ cầm roi phạt đòn con, không phải lúc đó bàn tay mẹ “xấu” mà vì con chưa ngoan, mẹ nhắc nhở con không nghe lời nên mẹ buộc phải thay bố dạy con. Con đau, mẹ càng đau hơn nhưng thương con mẹ buộc lòng làm vậy để con ngoan hơn thôi! Lúc ấy, con người mẹ phân ra làm hai nửa, nửa lí trí nghiêm nghị bên ngoài, nửa quay quắt và vỡ vụn bên trong. Giọt nước mắt mẹ cũng phải ghìm lại để nó tan xót vào trong từng thớ thịt…

Giờ con đã hiểu, bàn tay “đẹp” là bàn tay thế nào rồi chứ? Mẹ tin con sẽ biết quý trọng hai bàn tay mẹ và nâng niu những gì từ đôi bàn tay chai sần này của mẹ làm ra, có đúng không nào?

Yêu con!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ