Trường “ma” trong vòng xoáy tham nhũng ở Nepal

GD&TĐ - Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trường “ma” là khái niệm để chỉ những trường học ở nông thôn thưa thớt vài học sinh do làn sóng di cư ra thành phố. 

Một học sinh Nepal đến trường tại Manthali, huyện Ramecchap cách thủ đô Kathmandu 100 km về phía Đông
Một học sinh Nepal đến trường tại Manthali, huyện Ramecchap cách thủ đô Kathmandu 100 km về phía Đông

Tuy nhiên tại Nepal, trường “ma” mang đúng nghĩa đen bởi nó không hề tồn tại mà chỉ có trên giấy tờ để rút ruột tiền ngân sách và viện trợ…

Hàng trăm trường “ma”

Những ngôi trường “ma” bắt đầu xuất hiện tại những huyện nghèo nhất Nepal từ cách đây vài năm. Chúng được lập đề án, thậm chí xây vài bờ dậu – nhưng tất cả chỉ có vậy. Tuy nhiên, những nơi được gọi là trường này chỉ được lập nên để nhận tiền từ ngân sách và viện trợ nước ngoài.

Bê bối trường “ma” tồn tại nhiều năm trước khi cơ quan chống tham nhũng Nepal lôi ra ánh sáng. “Trong một vài trường hợp, chúng tôi phát hiện một ngôi nhà nhưng không có người. 

Tại một số địa điểm khác, thứ chúng tôi thấy chỉ là một bãi đất trống. Ngôi trường chỉ tồn tại trên giấy. – Theo Keshav Ghimire, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Chống tham nhũng – Các hiệu trưởng, lãnh đạo địa phương đều liên quan. Chúng tôi phát hiện có quá nhiều người chia chác khoản tiền vốn được dành để xây trường”.

Nhà chức trách tại quốc gia Himalay đã phát hiện hơn 300 cái gọi là trường “ma”, tất cả đều nhận ngân sách của Bộ Giáo dục, cơ quan thực hiện cuộc “đại tu bổ” các trường học trên cả nước vào năm 2009. 

Kể từ đó, UNICEF, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh đã viện trợ hơn 500 triệu USD cho Bộ Giáo dục. Trưởng đại diện Giáo dục của UNICEF tại Nepal thừa nhận: “Chúng tôi giám sát chương trình đào tạo một cách chặt chẽ nhưng một phần tiền có thể đã rơi vào những ngôi trường ma này”.

Hệ quả lâu dài tới giáo dục

Trường “ma” được cấp lương giáo viên và những khoản chi khác cho “quản lí hành chính, học bổng học sinh và hoạt động xây dựng”, theo cơ quan chống tham nhũng. 

Cho tới nay đã có 50 phiên toà xét xử quan chức và giáo viên tham nhũng tiền dành cho các trường “ma” – theo Bộ trưởng Giáo dục Prakash Pandit. 

“Rất khó để nêu con số chính xác khoản tiền thất thoát nhưng tôi ước tính phải vào khoảng 120 triệu rupee (1,2 triệu USD), kể từ khi cái gọi là trường đi vào hoạt động vài năm qua. – Pandit cho biết – Chúng tôi nhận thấy quy trình giải ngân quá dễ dàng”.

Báo cáo của cơ quan chống tham nhũng công bố hồi tháng 4 cũng cáo buộc quan chức biển thủ tiền mua sách giáo khoa và thiết bị giáo dục trường học khác với số tiền khoảng 30 triệu rupee trong năm ngoái.

Hầu hết các trường “ma” nằm dọc theo đồng bằng phía Nam của Nepal, nơi hạ tầng nghèo nàn và thất nghiệp cao. Điều này càng khiến giáo dục và tương lai phát triển kinh tế của khu vực này trở nên đen tối. 

Cơ quan chống tham nhũng đã phát hiện được nhiều trường hợp giáo viên “ma” trong những trường tồn tại thực. Raj Paudel, một lãnh đạo ngành GD tại huyện Rautahat, nơi 6/ 10 trẻ dưới 15 tuổi mù chữ, cho biết: “Riêng trong huyện của tôi, có khoảng 400 giáo viên nhận lương mà chưa bao giờ đứng lớp”.

Tuyển sinh trong các trường công đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng các chuyên gia nói rằng tham nhũng các cấp khiến chất lượng giáo dục kém đi. 

Khoảng 67% học sinh lớp 10 thi trượt trong kỳ thi cuối năm mùa hè vừa qua. “Chất lượng giáo dục hiển nhiên là vấn đề chúng tôi quan tâm. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ 37% trẻ lớp 2 có thể đọc một từ chính xác, tỉ lệ này giảm xuống 19% ở lớp ba” – đại diện UNICEF tại Nepal, Tomoo Hozumi, chỉ rõ.

Tham nhũng là vấn nạn tại Nepal, xếp thứ 126 trong số 175 quốc gia về mức độ tham nhũng nặng nề theo Tổ chức Minh bạch quốc tế. Năm 2010, dưới sức ép của các nhà tài trợ quốc tế, Bộ trưởng Giáo dục Nepal đã bị sa thải với cáo buộc nhận tiền hối lộ từ hơn 1.000 ứng viên thi làm giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ