Thử thách bắt đầu

GD&TĐ - Trong bài phát biểu nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nói nhiều về đoàn kết dân tộc và hàn gắn quan hệ với các đồng minh, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là đối phó với Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây cũng chính là những thách thức lớn nhất đang chờ đón ông chủ mới của Nhà Trắng.

Theo các chuyên gia, ông Joe Biden là vị Tổng thống tiếp quản Nhà Trắng vào thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt nhiều thách thức nhất kể từ thời Franklin Roosevelt nhậm chức năm 1933 giữa thời kỳ Đại khủng hoảng. Thậm chí, ông Biden còn gặp nhiều thách thức hơn do sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ, khi chỉ trước đó ít ngày tòa nhà Quốc hội còn chìm trong cuộc bạo loạn đổ máu do có sự kích động của chính người tiền nhiệm. 

Khi phát biểu lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Biden liên tục kêu gọi người Mỹ gạt qua mọi bất đồng để đoàn kết ứng phó với khủng hoảng. Ông hiểu rõ hơn ai hết sự chia rẽ đảng phái là rào cản cho những tham vọng của ông. Việc Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump không có mặt trong buổi lễ nhậm chức của người kế nhiệm, phá bỏ truyền thống hàng trăm năm đã phản ánh rõ nhất sự chia rẽ này.

Buổi lễ nhậm chức của ông Biden cũng kém hoành tráng hơn rất nhiều so với các sự kiện tương tự trước đây. Những đám đông cổ vũ lên tới hàng trăm nghìn người không có mà thay vào đó là sự có mặt của 25 nghìn vệ binh quốc gia để đảm bảo an ninh, biến thủ đô Washington thành một “pháo đài chống mọi cuộc bạo loạn”. Người dân bị hạn chế tối đa tới chứng kiến lễ nhậm chức nhằm tránh nguy cơ biến nó trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm Covid-19.

Đại dịch vì vậy trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính quyền Joe Biden và đây cũng là cuộc khủng hoảng mà ông nhiều lần chỉ trích người tiền nhiệm Donald Trump. Quan điểm này càng tạo thêm sức ép và thách thức đối với ông khi phải chứng minh mình điều hành đối phó với dịch hiệu quả hơn chính quyền cũ. Mọi con mắt đang đổ dồn chờ đợi những tín hiệu tích cực đầu tiên khi ông chính thức cầm quyền.

Tân Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để đối phó với đại dịch, tăng cường hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, ông còn cam kết điều phối tiêm chủng cho 100 triệu người ngay trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Trong 15 sắc lệnh hành pháp được ông Biden ký ngay sau khi nhậm chức cũng có một sắc lệnh yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội tại tất cả các tòa nhà và vùng lãnh thổ thuộc liên bang. 

Hiện đại dịch vẫn trong tình trạng khiến các nhà xác trên khắp nước Mỹ rơi vào tình trạng quá tải, kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế nước Mỹ và điều này càng khiến sứ mệnh của tân tổng thống thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, nước Mỹ khi ông Biden bắt đầu dẫn dắt còn đang chứng kiến tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng trầm trọng, đẩy cả nước vào những cuộc biểu tình bạo loạn liên miên trong năm ngoái. Vấn nạn này càng khiến trọng trách hàn gắn dân tộc của ông thêm nặng nề.

Ngoài ra, chính quyền mới của Mỹ còn phải giải quyết hàng loạt những thách thức khác về đối ngoại và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, càng khó khăn và nhiều thách thức lại càng tạo thêm cơ hội để tân Tổng thống Joe Biden chứng minh năng lực lãnh đạo, như ông cam kết khi nhậm chức là “khôi phục linh hồn quốc gia” và trở thành “tổng thống của tất cả người dân Mỹ” không phân biệt đảng phái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.