Thách thức về công bằng vắc-xin

GD&TĐ - Đại dịch trên toàn cầu đang bước sang giai đoạn mới khi chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được thúc đẩy ở nhiều nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng chính điều này đang đặt ra thách thức về sự công bằng trong tiếp cận vắc-xin khi công dân các nước phát triển có điều kiện được tiêm chủng tốt hơn phần còn lại của thế giới.

Những ổ dịch lớn nhất như Mỹ, Nga, các nước châu Âu, các nước Đông Bắc Á đều là những quốc gia dẫn đầu về sản xuất vắc-xin nên đây cũng là những quốc gia đang có tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 cao. Những nước khác như Israel, Thụy Sỹ, Singapore… dù không tự sản xuất được vắc-xin nhưng lại có tiềm lực về kinh tế để đàm phán mua và tích trữ số lượng lớn vắc-xin cho người dân.

Trong khi đó, nhiều nước châu Phi, châu Á và Nam Mỹ cũng bị đại dịch hoành hành nặng nề nhưng lại đang bị lép vế trong cuộc đua giành mua vắc-xin cho người dân do điều kiện kém hơn.

Đây là tình huống đã được các chuyên gia y tế và chính trị gia cảnh báo từ trước khi các loại vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa vào tiêm đại trà. Sự thiếu công bằng trong điều kiện tiếp cận vắc-xin này đang đe dọa mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dẫn dắt xây dựng một sáng kiến mang tên COVAX, nhằm bảo đảm sự phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, hướng tới mục tiêu không công dân một nước nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch. Chương trình này đang giúp nhiều nước được tiếp cận sớm với vắc-xin nhưng lại gặp phải khó khăn rất lớn về nguồn cung và hậu cần.

Mục tiêu của COVAX là đạt được những thỏa thuận mua vắc-xin số lượng lớn từ các tập đoàn dược và nhận quyên góp vắc-xin từ các nước giàu. Những quốc gia kém phát triển có thể nhận vắc-xin miễn phí từ chương trình này. Tuy nhiên, việc các nước giàu đang tích trữ số lượng lớn vắc-xin và chính sách hạn chế xuất khẩu vắc-xin đang khiến nguồn cung cho chương trình COVAX gặp thách thức khó vượt qua.

Nếu không giải quyết được tình trạng trên thì chiến dịch chống Covid-19 trên toàn cầu sẽ gặp khó khăn. Theo giới chuyên gia y tế, ngoài vấn đề nhân đạo thì việc phân phối công bằng và rộng rãi vắc-xin trên toàn thế giới là đặc biệt cần thiết, vì nếu virus còn lây lan tự do ở bất cứ cộng đồng nào cũng sẽ có khả năng gây ra biến chủng mới nguy hiểm và đe dọa cả những cộng đồng đã được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, chương trình COVAX cũng chỉ đủ khả năng cung cấp vắc-xin cho khoảng 20% đến 30% người dân tại những nước nghèo, chứ không phải toàn bộ dân số. Tỷ lệ này không đủ để đẩy lùi dịch bệnh và vẫn khiến Covid-19 dễ dàng bùng phát, vì theo các chuyên gia cần phải có ít nhất 70% dân số được tiêm chủng mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. 

Do đó các nước nghèo không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn vắc-xin từ COVAX mà buộc phải tự đàm phán để mua bổ sung vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin đang vô cùng hạn chế trên thế giới hiện nay, cũng như điều kiện kinh tế và hậu cần của các nước nghèo thì đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn.

Cuộc chiến chống đại dịch hiện dù đã nhìn thấy tương lai khả quan khi vắc-xin được tiêm đồng loạt tại nhiều nước, nhưng mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn Covid-19 có thể sẽ không bao giờ đạt được nếu tình trạng mất cân bằng về phân phối vắc-xin trên toàn cầu không được giải quyết trong những tháng sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.