Pháp: Lộ đề thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Học sinh các trường THPT ở Pháp đang phải đối mặt với áp lực nặng nề, chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp, trong bối cảnh các GV đe dọa sẽ không trao kết quả do rò rỉ đề bài thi Toán trước đó.

HS Pháp làm bài thi môn Triết học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019
HS Pháp làm bài thi môn Triết học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019

Bê bối chấn động

Giữa tuần trước, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 19 HS trung học tại Marseille và Paris. Đây là một phần trong chiến dịch điều tra về vụ rò rỉ đề thi Toán tốt nghiệp THPT - cuộc thi có sự tham dự của hàng nghìn HS trên cả nước. Vào tháng trước, đề thi tốt nghiệp môn Toán bất ngờ được lan truyền qua tin nhắn văn bản và WhatsApp.

Văn phòng công tố Paris cho biết, 7 HS trong số này đã được thả ra. Mặt khác, 12 người vẫn bị tạm giam và có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc về âm mưu gian lận thi cử và vi phạm niềm tin. Trước sự cố này, các cơ quan GD Pháp đã đưa ra quyết định, trước mắt sẽ không hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp, tạo điều kiện cho các HS hoàn thành kỳ thi.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà quản lý GD Pháp phải khốn đốn khi đề thi bị rò rỉ. Năm ngoái, 4 HS nước này lĩnh án treo sau khi tung đề Toán lên một diễn đàn vào năm 2011.

Khi bê bối xảy ra, nhiều GV tham gia chấm điểm bài thi ở một số vùng đe dọa sẽ đình công và không trả điểm, nhằm phản đối chương trình cải cách kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra từ năm 2021. Phát biểu trước truyền thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết: “Tại thời điểm này, tôi phải thừa nhận có một rủi ro nhỏ, nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm điều đó không xảy ra”.

Sau khi Bộ trưởng Blanquer tuyên bố rằng: Hành động của những GV này đi ngược lại nội quy của ngành GD quốc gia và cảnh báo sẽ cắt giảm “hai tuần” tiền lương của họ, hôm 5/7, toàn bộ điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Pháp đã được công bố.

Trong khi đó, giáo giới nước này đang có những hành động thuyết phục chính phủ Pháp mở lại cuộc đàm phán về việc cải cách tốt nghiệp từ năm 2021. Những tháng gần đây, hàng nghìn giáo viên đã đổ xuống đường phố, phản đối chương trình cải cách này.

Đề xuất cải cách gây tranh cãi

Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra cam kết sẽ cải cách kỳ thi tốt nghiệp THPT nước này vào năm 2021, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên bước vào các cơ sở GD bậc cao, cũng như thị trường việc làm hiện đại. Theo thống kê trước đó, có khoảng 60% SV Pháp trong 3 năm đầu ĐH không bảo đảm được khả năng tốt nghiệp của mình.

Theo đề xuất từ Tổng thống Macron, số lượng bài thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm một nửa, nhưng có một bài thi vấn đáp kéo dài 30 phút, nhằm giúp HS có thể lấy bằng sớm hơn. Bên cạnh đó, 3 chủ đề để HS lựa chọn là Khoa học, Văn học và Khoa học Xã hội cũng sẽ bị loại bỏ.

Trước năm học cuối cùng, HS sẽ phải lựa chọn hai môn “chính” và hai môn “phụ” dựa theo chương trình giảng dạy tiêu chuẩn. Thay vì hoàn toàn dựa vào kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp, Tổng thống Pháp cho biết, kết quả sẽ được tích hợp từ điểm số trong suốt hai năm học cuối cấp của HS. Ngoài ra, lịch học cũng sẽ được thay đổi vào năm 2021 nếu các đề xuất cải cách này được thông qua, HS sẽ hoàn thành 2 học kỳ thay vì 3 và sau vài tháng sẽ có bài kiểm tra.

Theo đó, chính phủ Pháp hy vọng rằng, việc tư vấn ngành nghề sớm tới HS sẽ giúp các em có lựa chọn đúng đắn hơn khi bước vào ĐH. Theo ông Pierre Mathiot, cựu Chủ tịch tại chi nhánh Lille của Trường ĐH Science Po, HS Pháp sẽ có thể đạt được bằng tốt nghiệp THPT trong “điều kiện thực tế hơn”. “Tôi không nói nên có ít bằng tú tài hơn, nhưng nên có những HS tốt nghiệp “thực hơn”. Ngoài ra, điểm tốt nghiệp nên phản ánh rõ hơn khả năng thực tế của một HS”, ông Mathiot nhấn mạnh.

Ngoài ra, mục tiêu của cải cách cũng là nhằm tiết kiệm tài chính cho đất nước, bởi lẽ, việc huy động giám sát viên và thiết lập các trung tâm kiểm tra đã tiêu tốn của chính phủ Pháp 71 triệu USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình nhận định, cải cách GD sẽ buộc HS phải lựa chọn nghề nghiệp ở độ tuổi quá trẻ; đồng thời cho rằng, lý tưởng về sự bình đẳng cũng sẽ bị lung lay, vì những HS có điều kiện tốt sẽ dễ dàng có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc định hướng so với những HS có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù giải pháp tăng cường tư vấn viên được cho là sẽ hạn chế khả năng đó, nhưng nhiều nhà GD vẫn thể hiện sự phản đối kịch liệt trước đề xuất cải cách và kêu gọi đình công.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Blanquer đã gặp không ít áp lực và phải thảo luận về đề xuất này với các nhà GD. Đề xuất cải cách Kỳ thi tốt nghiệp THPT được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Macron tuyên bố sẽ bỏ hệ thống tuyển sinh tại các trường ĐH và thắt chặt tiêu chí tuyển sinh.

Những phương án thay đổi này không chỉ vấp phải phản đối từ giáo giới, mà còn gặp nhiều chỉ trích từ HSSV. Nhiều người học tuyên bố rằng, chính phủ đang phá hoại quyền tiếp cận miễn phí vào bậc GDĐH, vào thời điểm mà lẽ ra các trường ĐH của đất nước cần được đầu tư nhiều hơn. Đã có hàng trăm HSSV ở Rouen, miền Bắc nước Pháp tham gia vào cuộc biểu tình chống lại cải cách mới.

Liên minh SNES-FSU đã cảnh báo rằng, việc “siêu chuyên môn hóa” sẽ tước đi của SV quyền tiếp cận với một loạt các ngành học, gây ảnh hưởng xấu tới “thanh niên có nền tảng xã hội không tốt”.

Tuy nhiên, nhiều nhà GD bày tỏ sẵn sàng trước những thách thức và đón nhận sự thay đổi. Theo Liên minh SNPDEN - lãnh đạo các trường THPT Pháp nhận định, những đề xuất cải cách GD của Tổng thống Emmanuel Macron là “cơ sở để thay đổi khiến chất lượng tấm bằng tốt nghiệp THPT”.

Theo The Local

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ