Những ngôi mộ tập thể chôn người di cư trên sa mạc ở Libya

Một báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc (UN) cho biết, nhiều người di cư bị bán vào thị trường nô lệ ở Libya đã bị giết hại, hãm hiếp và bắt buộc phải làm mại dâm. Trong khi đó, nhiều người đã chết vì đói và kiệt sức.

Người di cư đến Libya được các băng đảng bán lại cho nhau với giá từ 200 - 500 USD.
Người di cư đến Libya được các băng đảng bán lại cho nhau với giá từ 200 - 500 USD.

"Người nhập cư đang bị bán trên thị trường như một mặt hàng"

Thông tin được đăng tải trên tờ Daily Mail (Anh) cho hay, người di cư đến Libya được các băng đảng bán lại cho nhau với giá dao động từ 200 - 500 USD. Trong quá trình này, nhiều người đã bị hãm hiếp, bỏ đói, thậm chí bị giết hại. Những người bị bắt giữ thường đến từ Nigeria, Senegal và Gambia. Họ bị bắt khi di chuyển về phía bắc bờ biển Địa Trung Hải.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, những người nhập cư vào Libya từ Tây Phi kể lại rằng, họ bị các đường dây buôn người mua đi, bán lại tại các nhà để xe và bãi đỗ xe tại thành phố Sabha, một trong những địa điểm được coi là trung tâm buôn lậu người nhập cư ở Libya.

Othman Belbeisi, người đứng đầu IOM tại Libya nói với các nhà báo rằng, "người nhập cư đang bị bán trên thị trường như một mặt hàng với giá vài trăm USD. Việc mua bán người đang trở nên phổ biến, các mạng lưới buôn người ở Libya đang trên đà phát triển.

Thực tế cho thấy, phần lớn những người nhập cư đến từ Nigeria, Senegal và Gambia. Họ bị bắt khi cố gắng tìm thuyền để di chuyển đến Italia".

Các nhóm vũ trang và mạng lưới buôn người thường tìm cách bắt giữ, tống tiền người di cư. Nếu có tiền trả, chúng sẽ cho người di cư tiếp tục hành trình. Nếu không có tiền, chúng bắt người di cư phải lao động cực nhọc trong lĩnh vực xây dựng hoặc nông nghiệp.

Một số ít được trả lương và phần lớn buộc phải làm việc không công. "Chúng tôi đã nghe rất nhiều về việc phụ nữ di cư bị hãm hiếp, thậm chí ép buộc làm gái mại dâm", ông Belbeisi nói tiếp.

Người đứng đầu IOM ở Libya cho biết, tổ chức này đã gặp gỡ và nói chuyện với một người đàn ông nhập cư đến từ Senegal. Người đàn ông này cho biết đã bị bắt giam tại nhà riêng ở Sabha cùng với khoảng 100 người khác.

Tất cả đều bị đánh đập và bị bắt gọi điện về nhà để lấy tiền đưa cho những kẻ bắt cóc. Sau đó, người đàn ông đã bị bán cho một người Libya khác. "Ông chủ" mới đã đưa ra mức giá tiền chuộc cao hơn.

Những cuộc hành trình may rủi

Theo IOM, một số người di cư không thể trả tiền cho những kẻ bắt cóc đã bị giết hoặc bỏ đói đến chết. "Khi người di cư chết hoặc được thả ra, những người khác sẽ được mua để thay thế. Những người di cư chết sẽ bị chôn vùi mà không được xác định danh tính. Gia đình, bạn bè sẽ không hay biết về số phận của họ", một chuyên gia của IOM nói.

Mohammed Abdiker, người phụ trách giải quyết những vấn đề khẩn cấp của IOM cho biết, "những gì chúng ta biết là người nhập cư rơi vào tay của bọn buôn người, phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, lạm dụng tình dục và thậm chí bị sát hại. Chúng tôi đã nghe nói về những ngôi mộ tập thể trên sa mạc", ông Mohammed Abdiker nói.

Libya là cửa ngõ chính của những người nhập cư cố gắng đến miền đất hứa Châu Âu bằng đường biển. Theo thống kê, mỗi năm, có hơn 150.000 người di cư đã qua Libya.

Trong năm nay, tính đến thời điểm này, 26.888 người đã di cư qua Libya sang Italia, tăng hơn 7.000 người so với cùng kỳ năm 2016. Hơn 600 người di cư đã bỏ mạng trên biển trong năm nay, trong khi đó, con số này của năm 2016 là 4.600 người.

Đầu tháng 4, tổ chức Proactiva Open Arms của Tây Ban Nha đã cứu 500 người di chuyển từ Lybia sang Italia trên những chiếc thuyền cao su. Trong số này có một bé gái mới 4 ngày tuổi. Bố mẹ của bé gái, một phụ nữ Nigeria, 29 tuổi và chồng 34 tuổi người Ghana cũng được giải cứu.

Người chồng tên là Richard Ohene nói rằng, "chúng tôi muốn đến Pháp hoặc Đức để gia đình có một tương lai tươi sáng hơn". Phần lớn người di cư đến từ châu Phi, Trung Đông và châu Á. Những người di cư được phát hiện khi đang trôi dạt ở khu vực biển cách thị trấn Sabratha của Libya 22 hải lý về phía bắc.

Theo PNNews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ