Những bi kịch bị lãng quên

GD&TĐ - Mùa hè năm 1883, nhà hát Victoria Hall ở Sunderland (Anh) đã tổ chức một chương trình tạp kỹ dành cho trẻ em. Hơn 1.000 trẻ em từ 3 - 14 tuổi đã tham dự, nhiều em ngồi ở phòng trưng bày trên tầng 2. 

Những bi kịch bị lãng quên

Sự cố xô đẩy ở Victoria Hall

Tất cả đều diễn ra tốt đẹp cho đến khi kết thúc chương trình, khi các nghệ sĩ bắt đầu trao giải thưởng cho một số trẻ em trong khán giả. Những đứa trẻ ngồi trong phòng trưng bày đã lo lắng về việc bỏ lỡ sự kiện này và vội vàng chạy xuống tầng 1.

Tuy nhiên, cánh cửa ở dưới cầu thang mở vào bên trong và tệ hơn nữa, nó đã bị khóa chặt, để lại một khoảng trống quá nhỏ, chỉ cho phép từng em nhỏ đi qua. Biện pháp này rõ ràng là nhằm bảo đảm kiểm soát vé một cách chặt chẽ. Nó làm cho cầu thang trở thành một cái bẫy chết người.

Những đứa trẻ đầu tiên xuống đến trước cánh cửa không thể tiếp tục di chuyển, cũng không thể cảnh báo cho những đứa trẻ đến sau, trong khi những “đợt sóng” người cứ liên tiếp xô đến, như những cơn thủy triều đầy sức mạnh tiềm ẩn, không thể cưỡng lại. Một đứa trẻ sau này nhớ lại: “Đột nhiên cháu cảm thấy mình đang giẫm lên một ai đó đang nằm trên cầu thang và cháu đã khóc vì kinh hoàng khi những người phía sau xô tới. Dừng lại, dừng lại đã! Ai đó thất thanh, nhưng không có ích gì. Cháu bị xô xuống, xô xuống mãi trong đám đông và không lâu sau, cháu buộc phải vượt qua phía trên những người khác mà không biết làm thế nào”.

Những người lớn vội vã mở khóa cửa nhưng không thể tiếp cận cánh cửa khóa từ bên ngoài. Cuối cùng, một người đàn ông đã buộc phải phá tung bản lề cánh cửa. Khi cánh cửa mở tung, người ta nghẹn ngào khi thấy 183 xác chết nhỏ bé ở phía bên kia.

Vào thời điểm đó, thảm kịch đã dấy lên những làn sóng kinh hoàng trên khắp nước Anh. Một quỹ thảm họa đã được Nữ hoàng Victoria thành lập để hỗ trợ các gia đình nạn nhân và những nạn nhân còn sống sót. Một đài tưởng niệm cũng được xây dựng trong một công viên bên kia đường. Sự phẫn nộ của người dân cũng dẫn đến thay đổi pháp lý. Ngay sau đó, tất cả các địa điểm công cộng ở Anh buộc phải sử dụng các cửa đẩy. Yêu cầu này cũng trở thành phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù thế, những đau thương của thảm họa đang mờ dần trong ký ức nhân loại. Đài tưởng niệm, với hình ảnh một người mẹ đau buồn ôm đứa trẻ đã chết, đã xuống cấp nghiêm trọng và cuối cùng cũng bị hủy hoại. Đầu những năm 2000, tượng đài được khôi phục. Các nhóm lịch sử địa phương cũng đã lưu giữ một số kỷ niệm về sự kiện này cho tương lai.(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ