Những bi kịch bị lãng quên

Khó có thể tin được một dịch bệnh lan tràn khắp thế giới, với hơn 50 triệu người thiệt mạng, lại có thể rơi vào “lãng quên”. 

Những bi kịch bị lãng quên

Dịch cúm Tây Ban Nha

Thực tế, vào thời điểm đó, nỗi kinh hoàng là có thật. Điều đáng ngạc nhiên là “cơn lũ” dịch bệnh tàn bạo này lại chỉ còn là dấu vết mờ nhạt trong lịch sử. Dường như thảm họa này đã tan biến khỏi ký ức nhân loại rất nhanh chóng.

Có thể nói, đây là một cú đánh khủng khiếp vào nhân loại thời bấy giờ. Một dòng virus có ảnh hưởng mạnh mẽ đã phát triển trong những đội quân giai đoạn Đại chiến thế giới lần thứ I và tự phát tán theo bước chân của những người lính khi họ trở về nhà. Đây cũng là những “phát súng không tiếng nổ” cuối cùng, có sức tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến. Mỗi địa phương khi bị lan truyền loại virus này lại đổ lỗi cho một nơi khác, chẳng hạn như thay vì tên gọi “dịch cúm Tây Ban Nha” ở nhiều nước, thì tại Tây Ban Nha, dịch cúm này được gọi là “cúm Pháp”...

Dịch cúm này đặc biệt nghiêm trọng. Hầu hết các dịch cúm đều có tỷ lệ người chết khoảng 1%o, nghĩa là cứ 1.000 người nhiễm cúm mới có 1 người chết. Năm 1918, tỷ lệ chết do dịch cúm này trên toàn thế giới là 20%, nghĩa là cứ 5 người nhiễm cúm thì có 1 người thiệt mạng. Những nạn nhân nhiễm cúm bị chảy máu mũi, dạ dày và ruột. Những căn bệnh thứ cấp thậm chí còn giết chết nhiều hơn, nhất là đối với những người bị viêm phổi do vi khuẩn phát triển ở những bệnh nhân bị tổn thương.

Điều khác biệt là những người trẻ trung, mạnh khỏe lại bị tấn công nặng nề nhất. Có thể giải thích phần nào sự “kiên cường” của dân số lớn tuổi: Một dịch cúm trước đó diễn ra trong giai đoạn từ 1889 - 1890 đã khiến những người sống sót miễn dịch một phần. Một yếu tố khác là cách thức mà cúm Tây Ban Nha tàn phá: Nó đã gây ra cơn bão cytokine (là những phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch), khiến cơ thể bị tàn phá. Hệ thống miễn dịch càng mạnh, thì những phản ứng này càng mạnh mẽ. Việc hàng loạt người trẻ qua đời vì dịch cúm làm tăng thêm chi phí kinh tế, vì số lượng những người còn lại có thể gánh vác vai trò chăm sóc bệnh nhân lại cũng chính là những người có xu hướng mắc bệnh.

Nhiều nhân viên y tế và vệ sinh giỏi nhất đã bị nhiễm cúm, các cơ quan công quyền bị quá tải. Số lượng người nhiễm bệnh cao hơn khả năng xử lý của bất kỳ hệ thống y tế quốc gia nào. Tình trạng còn tệ hại hơn nhiều ở các quốc gia không có hệ thống bệnh viện quy củ. Từ Peru đến Vòng Bắc Cực, chỉ trong khoảng thời gian 18 tháng, số người thiệt mạng do dịch cúm chiếm tới 3 - 5% dân số thế giới.

Tuy nhiên, có rất ít đài tưởng niệm sự kiện này và mối quan tâm chung về nó đã lắng xuống sau khi những cái chết lắng dần. Một lý do cho điều này là bản chất phân tán nhanh chóng của đại dịch: Sau khi đột ngột hoành hoành ở một khu vực, nó nhanh chóng di chuyển sang địa phương khác, khiến người dân ở địa phương dịch đã tàn phá nghĩ rằng dịch bệnh đã kết thúc.

Mức độ tàn phá khủng khiếp của dich cúm chỉ được thấy rõ nhất khi phân tích tác động ở cấp quốc gia hoặc toàn thế giới, điều mà hầu hết mọi người đơn giản là không có cơ hội để thực hiện. Hơn nữa, dịch cúm xuất hiện ở phần cuối của cuộc xung đột tàn khốc nhất thế giới và nhiều người coi nó như một “sản phẩm phụ” của thảm kịch đại chiến, chứ không tách riêng để nhìn nhận đây là một bệnh dịch có sức tàn phá vô cùng nghiêm trọng. 

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ