Mỹ - Triều để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh lần 3

GD&TĐ - Quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như rất tốt đẹp, song điều người ta trông chờ nhất vẫn là khi nào hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ diễn ra và liệu quan hệ có được giải quyết ở tầm chiến lược hay không?

Thế giới vẫn trông chờ vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ diễn ra
Thế giới vẫn trông chờ vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ diễn ra

Quan hệ tốt đẹp

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 11/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa gửi cho ông một bức thư “rất tốt đẹp”. Tuyên bố được đưa ra đúng dịp kỷ niệm một năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tại Singapore ngày 12/6/2018. Ông Trump cho biết không thể cho xem bức thư đó, nhưng bức thư rất cá nhân, rất nồng ấm. “Tôi vừa nhận được một bức thư tuyệt vời của ngài Kim Jong-un và tôi cho rằng, quan hệ giữa chúng tôi rất tốt đẹp”.

Không tiếc lời ca ngợi Triều Tiên, ông Trump nói rằng “Triều Tiên có tiềm năng to lớn” dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. “Ông ấy đã làm được. Ông ấy hoàn toàn làm được” - Tổng thống Mỹ nói về ông Kim, và cho rằng trong tương lai nếu có điều gì diễn ra thì đấy là điều “rất tích cực”.

Ông Trump còn đánh giá đã đạt được tiến bộ thực sự nhờ những nỗ lực ngoại giao tích cực với nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Không có vụ thử tên lửa lớn nào, không có gì xảy ra như hồi tôi mới tới đây (Nhà Trắng). Khi tôi tới đây lần đầu, (quan hệ) đó là một sự hỗn độn. Nhưng chúng tôi đã có mối quan hệ rất tốt cùng nhau”.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói, vẫn chưa sẵn sàng gặp người đồng cấp Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh lần ba, song phát biểu trên cho thấy ông vẫn sẵn sàng để ngỏ khả năng đối thoại. Các quan chức Mỹ cho biết, liên hệ giữa hai nhà lãnh đạo khá hạn chế kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tháng Hai vừa qua tại Hà Nội.

Ông Trump nói, các nhà đàm phán hạt nhân Mỹ và Triều Tiên cần có tiến bộ trước khả năng gặp thượng đỉnh lần ba - Bloomberg cho biết.

Đẩy bóng cho đối phương

Từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại Singapore năm 2018, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác để phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, xóa bỏ nỗi sợ chiến tranh giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc gặp thứ hai tại Hà Nội hồi đầu năm nay cũng không đạt được thỏa thuận gì.

Reuters dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Singapore nói rằng, Đại sứ quán Triều Tiên tại đây đã dự kiến tổ chức một sự kiện để kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh năm 2018 và đã mời các quan chức Singapore, song sau đó họ đã hủy bỏ sự kiện.

Cả hai bên đều đá bóng sang sân bên kia, cho rằng đối phương phải thay đổi chính sách. Mỹ muốn Triều Tiên phải đạt được tiến bộ có thể kiểm chứng về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi dỡ bỏ cấm vận, còn Triều Tiên cho rằng, Mỹ không làm gì để tiếp tục những gì đã đạt được, và sẽ là vô nghĩa nếu Mỹ không từ bỏ yêu cầu Triều Tiên phải đơn phương giải giáp.

Tháng Năm vừa qua, Triều Tiên đã 2 lần thử tên lửa tầm ngắn với sự có mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cảnh báo “những hậu quả thực sự không mong muốn” nếu Mỹ không linh hoạt hơn.

Ông Kim tỏ ra không hài lòng với lệnh trừng phạt của Mỹ và nói rằng, sẽ chờ đến cuối năm nay trước khi quyết định “có đi đường khác” hay không. Nhưng Triều Tiên cũng nói họ “không thay đổi quan điểm của mình và sẽ trân trọng, sẽ thực hiện thiện chí” tuyên bố Singapore.

Giới phân tích cho rằng, việc thử tên lửa là một hành động cứng rắn nhằm gây sức ép với Mỹ phải mềm dẻo hơn trong đàm phán, ít nhất dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay. Khi đó ông Trump tuyên bố vẫn không xem các vụ thử tên lửa đó là phá vỡ lòng tin, bởi Triều Tiên vẫn giữ lời hứa không thử tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa hạt nhân.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm 11/6 cáo buộc Mỹ gây bế tắc quan hệ khi không thực thi tuyên bố 4 điểm đạt được ở Singapore năm ngoái. KCNA cho rằng, đây là thời điểm Mỹ nên rút bỏ các chính sách thù địch nhằm đến Triều Tiên.

Về phía Mỹ, vài giờ trước khi ông Trump nói về bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói, cuộc gặp lần ba giữa ông Trump và ông Kim là “hoàn toàn có thể”. Nhưng ông Bolton cũng tuyên bố rằng, Mỹ “sẵn sàng khi nào họ sẵn sàng”. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên có vẻ “không ra được quyết định chiến lược để từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể chuyển giao”.

Trong cuộc họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói rằng Triều Tiên “là một trong những thách thức an ninh quốc gia cứng rắn nhất”, song các quan chức Mỹ vẫn “kiên nhẫn” làm việc để tiếp tục triển khai lời hứa phi hạt nhân của Triều Tiên.

Bà Ortagus nói, một năm sau Hội nghị Thượng đỉnh Singapore, Mỹ vẫn thấy “cảm hứng và hy vọng”, nhưng trừng phạt kinh tế vẫn nguyên vẹn.

Vẫn còn cơ hội

Rõ ràng cả hai bên vẫn muốn đưa ra cả cây gậy lẫn củ cả rốt. Mặc dù cả hai bên đều hướng trách nhiệm về đối phương, song không bên nào muốn bỏ lỡ quan hệ tốt đẹp mà hai nhà lãnh đạo đã có trong những cuộc gặp và trao đổi song phương kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Vào thời điểm hiện nay, khi quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng, ông Trump chắc chắn càng không muốn quan hệ Mỹ - Triều xấu đi trong bối cảnh Trung Quốc có thể ít làm gì tích cực trong vấn đề Triều Tiên.

Bên lề Hội nghị An ninh Shangri-La tại Singapore gần 2 tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa một tập sách gồm 32 ảnh chụp và ảnh vệ tinh cho thấy tàu của Triều Tiên vi phạm lệnh cấm vận ngay ở bờ biển Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ mong muốn Trung Quốc hợp tác nhiều hơn trong vấn đề Triều Tiên, và Trung Quốc cần đảm bảo thực thi trừng phạt.

Hẳn khó bên nào có thể có những bước đi chiến lược trong quan hệ, nhưng ít nhất tình thế tương đối yên tĩnh như hiện nay đều có lợi cho cả hai bên. Triều Tiên vẫn giữ cam kết không thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa liên lục địa, còn Mỹ đã đồng ý bãi bỏ một vài cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ