Hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới đến trường nhưng… không học gì cả

GD&TĐ - Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) vừa cho biết, cứ 10 thanh thiếu niên thì có 6 em không đạt được khả năng đọc viết cơ bản và kết quả này được xem là thể hiện một “cuộc khủng hoảng học tập”. 

Hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới đến trường nhưng… không học gì cả

Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà giáo dục tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Nếu không có những biện pháp cải thiện tình hình thì rất nhiều trẻ em sẽ bỏ lỡ cơ hội thay đổi cuộc sống một cách tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tiếng chuông cảnh báo

Ở vùng tiểu Sahara châu Phi, nghiên cứu cho thấy 88% thanh thiếu niên sẽ trở thành người lớn mà không biết đọc một cách thành thạo. Ở trung và nam Á, 81% các em không đạt được tiêu chuẩn biết chữ cần có.

Báo cáo trên cảnh báo rằng bất kỳ tham vọng phát triển kinh tế xã hội nào cũng sẽ bị cản trở nếu người dân không biết đọc và làm các phép tính cơ bản.

Ở Bắc Phi và châu Âu, chỉ có 14% người trẻ tuổi rời trường học với khả năng thấp như trên. Tuy nhiên, nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, chỉ có 10% trẻ em tuổi đi học trên thế giới sống ở tại các khu vực phát triển như thế này.

“Trong số trẻ trên, nhiều trẻ không hề bị cô lập hay ở nơi không ai biết tới, mà các em ngồi ngay trong lớp học. Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo, đòi hỏi cần có thêm những đầu tư vào chất lượng giáo dục” – bà Silvia Montoya – Giám đốc Viện Thống kê Unesco cho hay.

Vấn đề “tới trường mà không học” cũng được đưa ra cho Ngân hàng thế giới mới đây. Điều này cảnh báo hàng triệu thanh thiếu niên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không nhận được sự giáo dục đúng đắn và sẽ khiến họ bị mắc kẹt trong những công việc lương thấp và không ổn định.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, đã đưa ra báo cáo trên và nói rằng thất bại trong giáo dục đối với nhiều trẻ em như vậy thể hiện một “cuộc khủng hoảng về đạo đức và kinh tế”.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng trẻ em ở Kenya, Tanzania, Uganda và Nicaragua đã đi học nhiều năm nhưng không thể làm các phép tính cộng đơn giản hay đọc những câu bình thường.

99% học sinh tiểu học ở Nhật đạt được mức độ đọc viết thành thạo nhưng chỉ có 7% học sinh Mali làm được việc này.

Ngoài ra, có những cách biệt lớn giữa các nước. Ở Cameron, vào cuối bậc Tiểu học, chỉ có 5% bé gái từ các gia đình nghèo nhất tiếp tục đi học, so với các bé gái từ các gia đình giàu có là 76%.

Những nguyên nhân được đưa ra

Ngân hàng thế giới chỉ ra những nguyên nhân sau:

- Ở các nước nghèo nhất, nhiều học sinh đến trường nhưng không có điều kiện để học.

- Nhiều em bị thiếu dinh dưỡng và ốm yếu khiến các em đi học ở tình trạng kém phát triển về thể chất và tinh thần.

- Có những lo ngại về chất lượng giảng dạy, nhiều giáo viên cũng không được học hành tới nơi tới chốn.

- Ngoài ra, vấn đề giáo viên vắng mặt tại một số quốc gia ở vùng tiểu Sahara cũng liên quan tới tới việc giáo viên không được trả lương thường xuyên.

Giám đốc kinh tế của World Bank, ông Paul Romer nói rằng, cần phải trung thực mà hiểu rằng, đối với nhiều trẻ em, đến trường không có nghĩa là các em sẽ nhận được nhiều bài học giá trị.

Ông cho rằng sự tiến bộ phụ thuộc vào việc nhận ra được “thực tế về sự thật đau đớn mà giáo dục vừa thể hiện”.

Thiếu sự kiểm tra

Báo cáo trên cũng cảnh báo về việc thiếu sự kiểm tra đối với các tiểu chuẩn và thiếu thông tin cơ bản về thành tích của học sinh. Ngân hàng thế giới cho biết, trong khi các nước phương Tây đang tranh luận về việc học sinh bị kiểm tra quá nhiều thì ở các nước nghèo hơn “việc kiểm tra vấn đề học tập của học sinh diễn ra quá ít”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những quốc gia tạo được những tiến bộ đáng kể như Hàn Quốc và Việt Nam.

Mới đây, tại Liên Hiệp Quốc, các nước đã đưa ra cam kết đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “Tôi đã quyết định đặt giáo dục là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của nước Pháp và chính sách nước ngoài.”

Cựu Thủ tướng Anh, đồng thời là đại sứ giáo dục của Liên Hiệp Quốc nói rằng ông muốn tổ chức Hợp tác toàn cầu về giáo dục đang hỗ trợ cho các dự án giáo dục, có một nguồn quỹ trị giá 2 tỉ USD vào năm 2020.

Liên minh châu Âu tuyên bố rằng 8% ngân sách nhân đạo của họ sẽ được chi cho giáo dục.

Đối với trẻ em bỏ học do xung đột ở Syria, Tổ chức Giáo dục là trên hết (Education Above All) và Unicef sẽ cùng với các tổ chức từ thiện khác, cam kết chi thêm 60 triệu USD. “Việc lập quỹ cho mục tiêu giáo dục của chúng ta sẽ làm nhiều hơn rất nhiều so với việc chỉ đặt một đứa trẻ vào bàn học vì nó sẽ tạo ra cơ hội và hy vọng” – ông Brown cho hay.

Hầu hết những hỗ trợ quốc tế về giáo dục đều không tiếp cận đầy đủ với các trường học, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn ở vùng tiểu Sahara châu Phi hoặc các khu vực xung đột. Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Viện Thống kê của Unesco cảnh báo về chất lượng giáo dục trong các trường học với con số 600 triệu trẻ em tuổi đến trường không có các kỹ năng làm toán và đọc cơ bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ