Đỉnh dịch chưa có hồi kết

GD&TĐ - Làn sóng Covid-19 trên thế giới đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng nhất từ đầu đại dịch, với liên tiếp các đỉnh mới về số ca mắc trong ngày được thiết lập tại nhiều quốc gia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) cho rằng, phải “rất may mắn” thì thế giới mới có thể khống chế được virus trong năm 2022.

Quốc gia có nguồn cung vắc-xin tốt nhất thế giới là Mỹ trong vòng một tuần qua đã ghi nhận số ca mắc mới đột ngột tăng cao. Trung bình mỗi ngày nước này có hơn 30.000 ca dương tính, tăng tới 66% so với một tuần trước và tăng 145% so với hai tuần trước nữa. Số ca phải nhập viện điều trị cũng lần lượt tăng tương ứng 26% và 50%.

Đây là xu hướng đang khiến các chuyên gia y tế lo ngại về một đỉnh dịch mới sắp xuất hiện tại nước Mỹ. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là có tới hơn 97% số ca nhập viện và 99,5% số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ trong những tuần qua chưa từng được tiêm mũi vắc-xin nào. Số liệu này tiếp tục cho thấy tiêm chủng đang là con đường duy nhất đối phó với đại dịch một cách hiệu quả.

Nguyên nhân khiến số ca mắc mới bất ngờ tăng mạnh tại Mỹ là do sự hoành hành của biến chủng Delta, lý do tương tự đang khiến đỉnh dịch mới liên tục xuất hiện tại nhiều nước châu Á hiện nay.

Tại Hàn Quốc, kỷ lục được thiết lập hôm 20/7 với 1.784 ca mắc mới trong cộng đồng. Với tốc độ lây lan của biến chủng Delta thì giới chuyên gia dự đoán kỷ lục này sẽ còn bị “phá sâu” trong những ngày tới.

Số ca mới tại Hàn Quốc vẫn còn thấp hơn đáng kể so với Việt Nam khi lần đầu tiên kể từ đầu dịch ghi nhận mỗi ngày có trên dưới 5.000 ca. Còn so với kỷ lục của Thái Lan thì số ca tại Hàn Quốc còn thấp hơn nhiều lần. Tính đến sáng 21/7 đã có hơn 13.000 ca mắc được xác định trong 24 giờ, con số cao nhất kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại Thái Lan.

Tâm dịch của khu vực châu Á hiện nay thuộc về Indonesia với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày hơn 34.000. Đặc biệt hôm 19/7 ghi nhận kỷ lục 1.338 ca tử vong vì Covid-19 cao nhất tại Indonesia kể từ khi đại dịch bùng phát.

Những đỉnh dịch đáng buồn về số ca mắc mới và tử vong được dự đoán vẫn còn đang ở phía trước khi nước này bước vào thời gian đón lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.

Đặc biệt, tại quốc gia xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới là Trung Quốc cũng đang bất ngờ có những diễn biến phức tạp. Chính quyền Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô ngày 21/7 đã yêu cầu người dân không rời thành phố sau khi phát hiện nhiều nhân viên sân bay dương tính với Covid-19.

Trung Quốc vốn duy trì được số ca mắc mới ổn định ở 2 con số mỗi ngày, nhưng với biến chủng Delta thì mọi chuyện có thể sẽ thay đổi rất nhanh.

Trong bối cảnh các làn sóng dịch mới luôn nghiêm trọng hơn so với trước đang khiến câu hỏi khi nào hết dịch trở nên mông lung hơn. Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan tuyên bố hôm 19/7, việc đại dịch chấm dứt trong năm nay là gần như không thể nhưng thế giới có thể sẽ kiểm soát được Covid-19 trong năm 2022 nếu “rất may mắn”.

Nhận định kèm theo cả yếu tố may rủi này từ quan chức WHO cho thấy tính khó lường của Covid-19. Sự chấm dứt sớm hay muộn đại dịch hiện nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể kết thúc sớm hơn tại một số nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ phụ thuộc vào việc phân phối vắc-xin có công bằng hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.