Vishal Thakur - quan chức cấp cao của sở cảnh sát Mumbai cho biết ít nhất 12 cơ sở tiêm vắc xin giả đã được tổ chức xung quanh Mumbai. Những cơ sở này sử dụng nước muối sinh lý tiêm vào cơ thể người.
Ước tính có khoảng 2.500 người bị tiêm vắc-xin giả với khoản tiền thu được lên đến 28.000 USD.
Quan chức này cho biết: “Các bác sĩ liên quan đã bị bắt giữ. Họ đang sử dụng một bệnh viện sản xuất giấy chứng nhận, lọ, ống tiêm giả".
Cho đến nay, 14 người đã bị bắt với cáo buộc gian lận, âm mưu giết người và các tội danh khác. Một số người khác có thể sẽ bị bắt giữ khi cảnh sát tiếp tục điều tra sự việc.
Ấn Độ đã bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19 thứ hai từ tháng 4 đến đầu tháng 6, khiến hàng triệu người bị nhiễm bệnh và hàng chục nghìn người thiệt mạng. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 5, các ca mắc hàng ngày đã giảm từ từ, giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế đang và cho phép các nhà chức trách đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.
Vào tháng 6, thủ tướng Narendra Modi đã công bố một đợt tiêm vắc xin tập trung và chính phủ sẽ cung cấp vắc xin miễn phí cho các bang.
Ngay sau đó, quốc gia này đạt kỷ lục 8 triệu liều trong vòng một ngày - một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự tăng tốc của chương trình tiêm chủng. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, hơn 62 triệu người, tương đương 4,5% dân số cả nước - đã được tiêm chủng đầy đủ.
Nạn tiêm chủng giả ở Ấn Độ diễn ra từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Các nhà chức trách bắt đầu điều tra sau khi một số nạn nhân nghi ngờ về giấy chứng nhận tiêm chủng của mình và trình báo với cảnh sát.