Ấn Độ: Cam go cuộc chiến giữa phát triển và ô nhiễm

GD&TĐ - Tháng 11/2000, khi Tòa án Tối cao Ấn Độ quyết định di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm trong khu dân cư của Delhi ra ngoài thành phố, công nhân các ngành công nghiệp này đã xuống đường để phản đối vì sợ mất sinh kế.

Cảnh đường phố mịt mù trong làn khói bụi ở Ấn Độ. 	Ảnh: AP
Cảnh đường phố mịt mù trong làn khói bụi ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Nhiên liệu rẻ tiền - lợi bất cập hại

Các cuộc biểu tình dần trở nên bạo lực, đã báo trước một trận chiến tiếp tục diễn ra trên khắp Ấn Độ ngày nay, khi tăng trưởng kinh tế đang chơi trò “bập bênh” với các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trong nền kinh tế Ấn Độ hiện đại, các ngành gây ô nhiễm tiếp tục là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trong đó có công nghiệp than, vốn tạo ra gần ba phần tư tổng sức mạnh của Ấn Độ.

Ngành công nghiệp sử dụng hàng trăm nghìn nhà máy nhiệt điện, mỏ than và chuỗi cung ứng trên cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào để hạn chế khai thác và sử dụng than sẽ dẫn đến mất việc làm trên diện rộng, cũng như mất đi một nguồn năng lượng rẻ tiền và ổn định.

Tương tự, phần lớn vận tải thương mại của Ấn Độ được chạy bằng diesel. Việc thay thế xe tải diesel và xe hơi bằng xe điện là quá đắt - đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải.

Trường hợp này cũng đúng với ngành sản xuất của Ấn Độ, vì việc chuyển đổi từ than sang khí tự nhiên sẽ làm tăng chi phí vận hành, trong khi các công nghệ kiểm soát ô nhiễm làm tăng thêm chi phí vốn cố định, khiến các chủ doanh nghiệp e sợ những cản trở làm giảm khả năng cạnh tranh trong thị trường đang toàn cầu hóa.

Ô nhiễm từ nông nghiệp

Một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ, đặc biệt là ở phía Bắc của đất nước, là ngành nông nghiệp. Hàng năm, từ tháng 10 - 11, hàng nghìn nông dân ở các bang Haryana, bang Punjab và Uttar Pradesh đốt những gì còn lại sau thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa mới, dẫn đến một đám khói mù mịt bao trùm phần lớn phía Bắc Ấn Độ.

Chính phủ đã cố gắng khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, như cái gọi là máy “Happy Seeder” có thể gieo hạt mà không cần phải loại phế thải nông nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng rất tốn kém, nhất là đối với những nông dân nghèo ở nơi hẻo lánh. Tất nhiên, việc đốt phế thải rẻ hơn nhiều so với chi phí cho nhiên liệu và chi phí thuê máy công cụ nêu trên.

Ngoài việc gây ra hơn một triệu ca tử vong hàng năm và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân, ô nhiễm không khí còn dẫn đến giảm năng suất do nhiều người phải nghỉ ốm vì bệnh phổi và tim mạch. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ước tính ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đã khiến 55 tỷ USD sức lao động bị mất đi trong năm 2013.

Kinh tế Ấn Độ đang bị khóa chặt trong các hoạt động kinh tế gây hậu quả đáng kể cho môi trường. Nhưng cho dù thiệt hại nặng nề, nhiều người ở đất nước này vẫn tin rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi mô hình kinh tế hiện tại sẽ có hại cho kinh doanh, việc làm và tăng trưởng.

Thị trường công nghệ sạch

Thực tế, nếu xem xét cái giá phải trả vì ô nhiễm môi trường và nếu một thị trường công nghệ sạch được hình thành, thì cần có những biện pháp kinh tế mạnh mẽ giảm phát thải.

Với việc tạo ra các ưu đãi và thị trường phù hợp, có thể áp dụng đại trà các giải pháp sạch hơn. Trong thực tế, Ấn Độ đã có kinh nghiệm về điều này. Chẳng hạn như kể từ năm 2015, 360 triệu bóng đèn LED đã được phân phối hoặc mua tại Ấn Độ kể từ năm 2015 dưới sự khuyến khích của một chương trình của chính phủ. Nhờ đó, ước tính đã giảm được 38 triệu tấn CO2, tiết kiệm 2,5 tỷ USD mỗi năm so với việc sử dụng số bóng đèn sợi đốt tương đương.

Tương tự, một chương trình hiệu quả năng lượng mới cho các ngành công nghiệp Ấn Độ sử dụng nhiều năng lượng nhất (bao gồm sắt và thép, xi măng và dệt may) có tên là “Thực hiện, đạt được, thương mại” (PAT) cũng đã giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng, chi phí và phát thải mà không ảnh hưởng đến sản xuất hoặc dẫn đến những bất lợi trong cạnh tranh.

Để nhắm mục tiêu phát triển công nghệ xanh từ các ngành cụ thể, một chương trình thí điểm khác đang được triển khai ở bang Gujarat, nhằm khuyến khích giảm các chất ô nhiễm từ các ngành công nghiệp này.

Việc chuyển đổi sang các công nghệ sạch hơn cũng sẽ tạo ra các khoản đầu tư và việc làm. Chương trình năng lượng tái tạo thành công của Ấn Độ khuyến khích mở rộng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã kích hoạt 42 tỷ USD đầu tư kể từ năm 2014 và tạo ra hàng nghìn việc làm. Năm 2017, khoảng 430.000 việc làm đã được tạo ra trong lĩnh vực tái tạo của Ấn Độ, ngoại trừ thủy điện lớn.

Ngoài ra, cần tạo ra những thị trường mới để khuyến khích nông dân khai thác và bán các sản phẩm từ gốc cây nông nghiệp, thay vì đốt. Dư lượng này có thể được sử dụng trong các ứng dụng khác nhau, thậm chí tại các nhà máy điện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ