Thế giới tìm giải pháp cho bạo lực học đường

Thế giới tìm giải pháp cho bạo lực học đường

(GD&TĐ) - Nạn bắt nạt học đường (school bullying) được ngành giáo dục nhiều quốc gia coi là một vấn đề trầm trọng trong trường học. Điều đáng lo ngại là dư luận xã hội cũng như nhiều bậc phụ huynh còn chưa hiểu hết những nguy cơ nghiêm trọng mà nó có thể gây ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nước đang tìm các biện pháp can thiệp có hiệu quả nhằm chống tình trạng bắt nạt học đường.

Tại Nhật, học sinh thường luôn phải chịu sức ép nặng nề từ những vụ bắt nạt học đường, gây những tổn thương tâm lý nghiêm trọng đối với một số em. Nạn hành hung trong học đường có liên quan đến nhiều vụ tự sát của giới trẻ. Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong năm 2007 con số những vụ bắt nạt trong học đường ở nước này là 124.898 vụ. Trong cùng năm, con số học sinh tự tử ở Nhật Bản là 171 vụ. Trong số này có sáu học sinh do bị bắt nạt mà tự tử.

Hàn Quốc cũng được coi là một trong những quốc gia có nạn bạo lực học đường nhức nhối trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Quỹ phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc tháng 11 và 12 năm 2009, trong số 4.073 học sinh tại 64 trường tiểu học và trung học, 20% thừa nhận từng bị bắt nạt ở trường. 63% nạn nhân phải “nếm” đòn bạo lực ngay khi mới học tiểu học. Con số này cao hơn 6 - 7% so với số liệu thống kê năm 2007( 56,1%) và năm 2008( 56,8%). tệ nạn này xảy ra nghiêm trọng đối với học sinh nữ hơn học sinh nam. Đáng lưu ý, nhiều học sinh đã không ý thức được hành vi bạo lực của mình. Khoảng 36% học sinh Hàn Quốc coi việc bắt nạt như một trò đùa, 20% thừa nhận hành vi bắt nạt bạn là không có lý do đặc biệt. Theo điều tra, số học sinh thường xuyên bắt nạt các bạn học khác thường hay xem phim bạo lực, hoặc do hoàn cảnh gia đình. 51,5% người được hỏi thừa nhận, thường xuyên chơi và xem phim, game bạo lực.

Cũng vì định “đùa cho vui”, mà Brandon, học sinh bang Oklahoma, Mỹ, đã bị những học trò to khỏe hơn chế giễu, bắt nạt, dẫn đến tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Sau nhiều lần là mục tiêu cho các học sinh khác bắt nạt, Brandon cảm thấy sợ đến trường và cảm thấy nơi đây như một địa ngục. Không chịu được khổ đau dày vò trong lòng, cậu bé đã tự tử bằng một khẩu súng. Vụ việc đã khiến Nghị viện Oklahoma đưa ra Đạo luật Phòng chống Bắt nạt tại học đường năm 2002.

Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Journal of Developmental and Behavioural Pediatrics, có gần 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tại Mỹ từng ít nhất một lần bị bạn học bắt nạt, ức hiếp, ngoài ra 59% thừa nhận đã từng có hành động bắt nạt những em khác. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, cứ 3 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại nước này thì có một em báo cáo đã bị bắt nạt tại trường. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), mỗi ngày tại nước này có 160.000 học sinh không dám đi học, vì các em sợ bị bắt nạt ở trường.

Trước tình trạng phổ biến và những nguy cơ của bạo lực học đường, tháng 8/2010, Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc hội thảo Phòng chống nạn Bắt nạt trong học đường tại Mỹ nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi dư luận coi trọng việc đối phó với tệ nạn này. Phát biểu tại hội thảo, ông Arne Duncan, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, nói: “Nếu các học sinh thấy sợ cho sự an toàn của mình tại trường học, lo lắng về chuyện bị ăn hiếp, kỳ thị hoặc chế nhạo, vì sắc tộc, tôn giáo, định hướng giới tính, khuyết tật của mình, hay là vì một loạt lý do khác, thì đó là một điều hoàn toàn lố bịch cho hệ thống giáo dục của chúng ta”.

Để chống nạn bạo lực học đường, hơn 70 trường học Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống cảnh sát học đường nhằm giám sát bạo lực trường học, ngăn chặn tội phạm vị thành niên, tư vấn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên đồng thời bảo vệ các nạn nhân để bạo lực học đường. Từ thập niên 1990, nhà chức trách Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế vấn đề như cho phép nạn nhân đổi trường, diễn thuyết chống lại nạn bắt nạt và cố gắng giảm bớt áp lực học tập để học sinh đỡ căng thẳng… Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, hầu hết các trường đã có thể xử lý những vụ bắt nạt trong học đường.

Theo các chuyên gia về phòng chống bắt nạt trong học đường, để đấu tranh hiệu quả với nạn này, vấn đề quan trọng nhất là phải chỉ ra cho các em nhỏ nhận thấy rằng việc bắt nạt người khác là hành vi không thể chấp nhận được, và động viện những em khác chống lại hành động không hay này. Ngành giáo dục cần phải tiếp tục đưa ra những biện pháp can thiệp để ngăn chặn tình trạng bạo lực và ức hiếp giữa các học sinh. Nếu để các em đơn độc đối phó thì tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp can thiệp thường có hiệu quả nhất khi được phối hợp toàn diện, giữa giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, những người bảo vệ nhà trường và các bậc phụ huynh.

Vũ Anh Tuấn (Theo bullyonline.org và báo chí Mỹ)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.