Thế giới sẽ mất nửa số loài động thực vật nếu không cắt giảm khí thải

GD&TĐ - Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) dự báo, hơn một nửa số loài động thực vật trên thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21 nếu con người không thể kiềm chế phát thải khí nhà kính.

Thế giới sẽ mất nửa số loài động thực vật nếu không cắt giảm khí thải

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), hơn một nửa số loài sinh sống tại Amazon, quần đảo Madagascar và nhiều vùng sinh thái khác trên thế giới có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu, được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ WWF, ĐH. East Anglia (Anh Quốc) và ĐH. James Cook (Úc), là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về tác hại của khí thải nhà kính tới môi trường nếu con người không có những biện pháp kiểm soát. Các kết quả và số liệu của cuộc nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Climate Change mới đây.

Biến đổi khí hậu là có thật, và nó vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Thế nhưng, không ít lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là trò "bịp bợm" và từ chối tham gia các hội nghị cũng như hành động để cứu lấy hành tinh. Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, chỉ trong thời gian rất ngắn nữa thôi, mọi chuyện sẽ vượt ra khỏi khả năng xử lý của con người và khi đó thì có làm gì cũng đã quá muộn.

Tanya Steele, CEO của WWF nhận định: "Tới thế hệ của con cháu chúng ta, những nơi như Amazon hay đảo Galapagos sẽ chứng kiến hơn một nửa loài sinh vật bị tuyệt chủng bởi biến đổi khí hậu do bàn tay của chính con người gây ra".

Trong  trường hợp xấu nhất, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 4,5 độ C vào cuối thế kỷ này, 50% số loài sẽ biến mất. Thậm chí ngay cả ở mức 2 độ C theo Hiệp định khí hậu Paris, khoảng 25% số sinh vật vẫn có nguy cơ bị xóa sổ.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát khoảng 80 ngàn loài thực vật và động vật ở 35 khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, sau đó tạo ra các mô hình dự báo khác nhau khi biến đổi khí hậu đạt tới đỉnh điểm.

Theo dự báo, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 4,5 độ C vào cuối thế kỷ 21, khoảng 60% loài ở Madagascar sẽ tuyệt chủng. Trong khi đó, vùng đất Fynbos ở phía Tây mũi Hảo Vọng, Nam Phi có thể mất tới 1/3 số loài.

Riêng Amazon sẽ mất khoảng 69% thực vật. Rừng Miombo ở Nam Phi có nguy cơ tuyệt chủng tới 90% số loài lưỡng cư, 96% loài chim và 80% động vật có vú.

Dù đã muộn nhưng...còn nước còn tát

Thiếu nước cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Thời tiết khô hạn và lượng mưa ngày càng ít do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ, Vùng Caribe và Châu Âu.

Loài phải chịu tác động nhiều nhất sẽ là voi Châu Phi, khi chúng có nhu cầu tiêu thụ ít nhất 150-300 lít nước/ngày. Khi tình trạng thiếu nước trở nên phổ biến, chúng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với con người. Ngược lại tại Ấn Độ, 96% diện tích sinh sống của loài hổ Bengal ở Sunderban có khả năng sẽ bị nhấn chìm dưới nước vào cuối thế kỷ 21.

Stephen Cornelius, cố vấn chính của WWF khẳng định: "Những con số này là lời kêu gọi chúng ta phải thức tỉnh. Nếu có một thông điệp ở đây, đó chính là các hành động nhỏ cũng có thể mang lại những sự thay đổi to lớn".

Nếu thực sự xảy ra tình trạng tuyệt chủng hàng loạt các loài sinh vật trên Trái Đất, hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn hoàn toàn, tạo nên một hiệu ứng dây chuyền và đó sẽ là dấu chấm hết của nhân loại.

Đa dạng sinh học của toàn cầu đang phụ thuộc rất nhiều vào cách con người đối xử với mẹ thiên nhiên. Nếu không chung tay, nỗ lực giảm thiểu mức tăng nhiệt toàn cầu, con người sẽ sớm phải lãnh nhiều hậu quả khôn lường.

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ