Thế giới mất 195 triệu việc làm vì Covid-19

Lao động khu vực phi chính thức phải chịu tác động tiêu cực lớn từ dịch Covid-19
Lao động khu vực phi chính thức phải chịu tác động tiêu cực lớn từ dịch Covid-19

3,3 tỷ người chịu ảnh hưởng

Theo đánh giá của ILO, dịch Covid-19 dự kiến sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý hai năm 2020, tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Ả Rập mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu 7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian, Châu Á – Thái Bình Dương 7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian.

Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.

Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách. Có khả năng cao là con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người thất nghiệp. Có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.

Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho rằng: Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân. Bây giờ chính là lúc hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của virus tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức. 

Báo cáo nhanh số 2 của ILO: Covid-19 và thế giới việc làm miêu tả đại dịch là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Theo báo cáo mới, 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ cao sẽ gia tăng nhanh chóng và nghiêm trọng tỷ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, ILO cảnh báo rằng một số khu vực có tỷ lệ phi chính thức ở mức cao, cùng với hệ thống an sinh xã hội yếu, thì đây còn là thách thức nghiêm trọng về y tế đối với các Chính phủ. Trên toàn thế giới, đang có 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực.

Hỗ trợ nhanh chóng và đồng bộ

“Người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển,” Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, cho biết. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ.”

Báo cáo nêu rõ cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột: hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.

“Đây là bài kiểm tra quan trọng nhất trong hơn 75 năm về năng lực hợp tác quốc tế. Nếu chỉ một quốc gia thất bại, thì tất cả chúng ta sẽ đều thất bại. Chúng ta phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ mọi thành phần trong xã hội toàn cầu,…” - ông Ryder nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Hoàng Thị Hương ân cần với học trò.

'Mầm xuân' ở vùng đất khó

GD&TĐ - Những cô giáo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày đêm miệt mài gieo hạt giống tri thức cho những học trò vùng cao gian khó...