Thế giới đón năm mới với nhiều biến động

Thế giới đón năm mới với nhiều biến động

Người dân trên thế giới đón năm mới

Đêm 31/12 vừa qua, người dân ở khắp các nơi đã cùng nhau ngắm nhìn pháo hoa thắp sáng bầu trời ở các địa danh như Big Ben (London, Anh); Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp); Parthenon (Athens, Hy Lạp); Điện Kremlin (Mát-xcơ-va, Nga)…

Đông đảo người dân Mỹ đổ về Quảng trường Thời đại, chờ đón lễ mừng Năm mới hoành tráng nhất thế giới với màn hạ quả cầu pha lê vào đúng thời khắc giao thừa. Bất chấp nhiệt độ xuống mức thấp cùng với những cơn mưa, hàng nghìn người vẫn tập trung tại Quảng trường Thời đại (New York) và cùng chứng kiến màn hạ quả cầu pha lê truyền thống từ nóc tòa nhà One Times Square.

Tại Australia, khoảng một triệu người dân đã đổ về cảng Sydney và các khu vực lân cận để có thể chiêm ngưỡng hơn 100.000 quả pháo hoa được bắn trên bầu trời thành phố.

Hàng nghìn người ở Hồng Kông đã chào đón năm 2020 trên những lối đi được thắp sáng đèn ở cảng Victoria. Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông đã bất ngờ hủy màn bắn pháo hoa với lý do lo ngại về an ninh.

Thay vào đó, chương trình “Bản giao hưởng ánh sáng” - chương trình kết hợp âm thanh và ánh sáng; với hệ thống âm nhạc, pháo hoa, đèn pha và đèn laser được bố trí ở 44 tòa nhà chọc trời nằm hai bên cảng Victoria đã được diễn ra, trong khi pháo hoa quy mô nhỏ hơn được phóng lên từ các mái nhà bên bờ sông.

Thảm họa thiên nhiên triền miên, địa chính trị thế giới đầy biến động

Trước thềm năm mới, Sydney vẫn quyết định tiếp tục bắn pháo hoa, bất chấp lời kêu gọi của nhiều người dân về việc hủy bỏ sự kiện trong bối cảnh các khu vực ở bang New South Wales phải đối mặt với hỏa hoạn kéo dài. Phát biểu với truyền thông, Thị trưởng Sydney, ông Clover Moore cho biết, kế hoạch này đã được lập ra kể từ 15 tháng trước; đồng thời khẳng định, sự kiện cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, khoảng 4.000 người tại thị trấn Mallacoota ở bang Victoria nước này đã đổ ra bờ biển khi tuyến đường chính bị lửa tấn công. Chính phủ Australia đã cử chiến hạm cùng trực thăng quân sự tới hỗ trợ chữa cháy và sơ tán người. Hàng nghìn người khác cũng buộc phải rời khỏi nhà và sơ tán đến bờ biển dọc bang New South Wales. Quân đội Australia đã cử lực lượng bao gồm không quân và binh sĩ tới hỗ trợ tại nhiều bang. Tính đến ngày 31/12, có hơn 100 ngọn lửa vẫn bốc cháy tại bang New South Wales.

Từ tháng 10/2019 tới nay, vụ hỏa hoạn đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và phá hủy hơn 4 triệu ha đất đai, cũng như khiến nhiều thị trấn và khu vực nông thôn rơi vào tình trạng mất điện hoặc điện thoại di động.

Trong khi đó, mưa lớn xảy ra vào rạng sáng 1/1 đã khiến thủ đô Jakarta (Indonesia) chìm trong biển nước và trở thành trận lụt lớn nhất ở nước này kể từ năm 2013. Sân bay Halim Perdanakusuma phải đóng cửa do đường băng bị ngập, các chuyến bay phải đổi hướng đến sân bay Soekarno - Hatta.

Thậm chí, nhiều tuyến đường bị ngập khiến người dân và các phương tiện không thể di chuyển. Thảm họa vào ngày đầu tiên của năm mới này cũng khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.

Ở thời khắc thế giới hướng về năm mới và một thập kỷ mới, những căng thẳng trong năm 2019 được cho là có khả năng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Hôm 1/1/2020, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và giới thiệu một vũ khí chiến lược mới trong tương lai gần.

“Không còn lý do gì để chúng ta đơn phương giữ cam kết nữa. Thế giới sẽ chứng kiến loại vũ khí chiến lược mới mà Triều Tiên sắp sở hữu trong tương lai gần”, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố trong bài phát biểu năm mới 2020.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Kim cáo buộc Mỹ cố tình trì hoãn vì lợi ích chính trị riêng trong cuộc đàm phán phi hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng đàm phán như đã phát biểu trong phiên họp Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên rằng, mức độ gia tăng năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào thái độ của Mỹ trong tương lai.

Biểu tình nổ ra ở nhiều nơi

Ngày 31/12/2019, những người biểu tình tại Iraq đã đốt cháy cổng Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của nước này, nhằm phản đối việc quân đội Mỹ pháo kích lực lượng Hezbollah, khiến 25 người thiệt mạng. Trước bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran kích động vụ bạo lực ở Baghdad. Tuy nhiên, Tehran đã nhanh chóng phủ nhận việc có liên quan đến vụ tấn công đại sứ quán Iraq.

Hàng chục nghìn người Hồng Kông đã biểu tình vào ngày đầu tiên của năm mới, khiến cảnh sát triển khai vòi rồng và hơi cay. Cuộc biểu tình ngày 1/1 được chính quyền thành phố chấp thuận, khi người biểu tình ban đầu tuần hành ôn hòa trên các tuyến phố chính của đặc khu.

Tuy nhiên, sau vài giờ, bạo lực nổ ra, dẫn đến sự đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Cảnh sát chống bạo động sử dụng bình xịt hơi cay và vòi rồng trong khi người biểu tình ném bom xăng, dựng chướng ngại vật và phá hoại một số văn phòng, cửa hàng cà phê.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Ấn Độ khi hàng nghìn người dân nước này bắt đầu năm mới bằng cách tiếp tục phản đối luật công dân - bộ luật mà theo người biểu tình là có mục đích phân biệt đối xử, loại trừ người Hồi giáo. Trước những biện pháp và lời kêu gọi từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm xoa dịu căng thẳng, tình hình tại Ấn Độ vẫn chưa có tiến triển lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Barca vẫn chưa thể đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Barcelona được La Liga báo tin vui

GD&TĐ - Barcelona được La Liga 'bật đèn xanh' để hoạt động tài chính bình thường, qua đó có cơ hội đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Minh họa/INT

Nhà ở xã hội khởi sắc?

GD&TĐ - Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ có khoảng 21 nghìn căn được xây dựng, tương đương hơn 16% kế hoạch.