Tại Mỹ, bang New York có thể cử Vệ binh Quốc gia tới các bệnh viện để đối phó khả năng thiếu nhân viên khi lệnh tiêm chủng có hiệu lực.
Tháng trước, bang này ra phán quyết rằng tất cả nhân viên y tế phải tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên trước ngày 27/9 và liều thứ 2 trước ngày 7/10. Những người từ chối tiêm sẽ bị mất việc làm, tạo khả năng các bệnh viện thiếu nhân sự.
Theo kế hoạch, nhà chức trách có thể ban bố tình trạng khẩn cấp, tạo điều kiện cho người lao động ngoài tiểu bang, sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người về hưu được làm việc tại tiểu bang.
Thống đốc New York Kathy Hochul cho biết: “Tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình nhân sự và chúng tôi có kế hoạch tăng cường lực lượng chăm sóc sức khỏe và giúp giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác”.
Hiện tại 84% nhân viên bệnh viện và 77% nhân viên viện dưỡng lão được tiêm chủng đầy đủ - bà nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ tăng gấp đôi số liều vắc xin tặng cho các nước nghèo hơn lên 120 triệu liều. Trong buổi hòa nhạc gây quỹ Công dân Toàn cầu ở Paris: “Điều bất công là các châu lục khác, việc tiêm chủng bị tụt hậu xa vì chúng tôi nói chung”.
Pháp cũng sẽ cam kết giúp Unicef và các hệ thống y tế phân phối vắc xin, ông nói thêm rằng chỉ 3% dân số châu Phi được tiêm chủng.
Tại Na Uy, bạo lực đã nổ ra khi các quy định chống dịch được nới lỏng. Những vụ bạo lực đã xảy ra ở nhiều thành phố trên khắp Na Uy khi nhiều người ăn mừng việc dỡ bỏ các giới hạn chống Covid-19 từ chiều thứ 7 – truyền thông địa phương cho biết.
Đài truyền hình NRK cho biết, cảnh sát ở Oslo đã ghi nhận khoảng 50 vụ ẩu đả và gây rối khác, trong khi một số người bị bắt vì tàng trữ mã tấu, dao…
Tổ chức Y tế Thế giới WHO sẽ thành lập một nhóm mới gồm 20 nhà khoa học để điều tra nguồn gốc Covid-19, hãng tin Wall Streat Journal đưa tin hôm qua.
Nhóm nghiên cứu trước đó tới Vũ Hán Trung Quốc điều tra đã bị giải tán. Nhóm này cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp không đủ để đưa ra kết luận về nguồn gốc đại dịch.
Các thành viên của nhóm mới sẽ được chọn vào cuối tuần này và ưu tiên của nhóm là dữ liệu và quyền truy cập ở quốc gia báo cáo ca mắc Covid-19 đầu tiên. Hiện Trung Quốc chưa cho biết nhóm mới có được nhập cảnh vào nước này hay không.
Singapore báo cáo kỷ lục 1.939 ca mắc Covid-19 tính đến trưa hôm qua (26/9), đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp có số ca mắc vượt mốc 1.000. Trong số ca mắc mới, có 1.934 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca từ nước ngoài về. Bộ Y tế nước này cho biết số ca tử vong vì Covid-19 hôm qua là 2 người, nâng tổng số người chết lên 78. Riêng trong tháng 9, số ca tử vong cao ở mức kỷ lục là 23 người.
Đại dịch Covid-19 đã làm giảm tuổi thọ của con người vào năm 2020 nhiều nhất kể từ Thế chiến thứ 2 – theo một công bố hôm nay của Đại học Oxford.
Tuổi thọ trung bình của con người đã giảm hơn 6 tháng so với năm 2019 ở 22 trong số 29 quốc gia được phân tích trong nghiên cứu, bao gồm châu Âu, Mỹ và Chile. Nhìn chung, 27 trong số 29 quốc gia có tuổi thọ bị giảm.
Đại học Oxford cho biết hầu hết việc giảm tuổi thọ ở các quốc gia khác nhau có liên quan đến các ca tử vong chính thức do Covid-19. Theo thống kê của Reuters, thế giới đã có gần 5 triệu người chết vì đại dịch.