Thế giới chao đảo khi đại công xưởng tái chế phế liệu ngừng nhập khẩu rác

GD&TĐ - Để giải quyết vấn đề quản lý chất thải trong nước, Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa và giấy. Quyết định này đã tạo nên ảnh hưởng lan tỏa khắp toàn cầu. Rác thải không được nhập khẩu bởi Trung Quốc sẽ tích lũy tại các địa điểm khác trên thế giới.

Thế giới chao đảo khi đại công xưởng tái chế phế liệu ngừng nhập khẩu rác

Từ những năm cuối thập niên 1980 cho tới 2016, Trung Quốc là quốc gia tiếp nhận gần 1 nửa lượng rác thải nhựa trên thế giới, với EU và Mỹ là những nhà xuất khẩu rác hàng đầu. Tuy nhiên, quá trình bùng nổ dân số không ngừng đã khiến quốc gia này bắt đầu phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và chất thải của chính họ.

Chính vì vậy, vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã đưa ra chính sách cấm nhập khẩu phần lớn các loại phế liệu nhựa thương mại như chai lọ và bao bì. Theo nghiên cứu về tác động của lệnh cấm này, nếu không có gì thay đổi, thế giới sẽ phải đối mặt với các đống rác thải nhựa đang ngày càng lớn dần trong nhiều thập kỷ tới.

Amy Brooks, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, rác thải nhựa đang tích lũy tại biên giới các quốc gia vốn chuyên giải quyết vấn đề bằng cách xuất khẩu cho Trung Quốc. Trong khi đó, 1 nghiên cứu năm 2017 cho thấy chỉ có không đến 10% rác thải nhựa trên toàn cầu đã được tái chế.

Sử dụng dữ liệu thương mại từ Liên Hiệp quốc, Brooks và đồng nghiệp đến từ ĐH Georgia dự đoán các quốc gia sẽ phải tìm ra nơi nào khác để giải quyết hết 111 triệu tấn nhựa vào năm 2030.

Lệnh cấm nhập khẩu đi kèm với nhiều giới hạn nghiêm ngặt về giấy, trong đó Trung Quốc từ chối nhận các lô hàng giấy in hoặc bìa cứng với hơn 5kg chất thải khác trộn lẫn trong mỗi tấn. Các nhà tái chế Mỹ cho biết, đây là tiêu chuẩn không thể đáp ứng được. Giá thành phế liệu sụt giảm còn chi phí xử lý lại tăng lên, khiến nhiều rác thải mà Mỹ đang tìm cách tái chế phải tuồn tạm ra các bãi rác.

Marjorie Griek, Giám đốc điều hành của Liên minh Tái chế quốc gia trao đổi: “Mỹ đã mất đi khả năng tái chế do quá phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu rác thải của Trung Quốc. Trước lệnh cấm, tất cả mọi người sẽ phải suy nghĩ lại và tìm cách thay đổi trong quản lý rác thải nhựa”.

Tại El Paso, Texas (Mỹ), công ty xử lý việc tái chế của thành phố đã yêu cầu hội đồng thành phố tăng 50% phí tái chế để trang trải kinh phí hoạt động, theo như Kurt Fenstermacher, Phó Giám đốc Sở Dịch vụ Môi trường của thành phố trao đổi. Hội đồng đã từ chối yêu cầu này. Thay vào đó, họ đang cố làm việc với các nhà tái chế để giúp họ giảm chi phí cần thiết.

Tại hạt Lancaster, Pennsylvania, Tây Philadelphia, khoảng 20 tới 40% rác thải tìm thấy trong các thùng rác ven đường là rác không thể tái chế, Kathryn Sandoe - phát ngôn viên của Cơ quản Quản lý chất thải hạt Lancaster cho biết. Điều này có nghĩa là khoảng 1/3 phế liệu được thải ra sẽ không thể đem vào thị trường rác thải.

Lệnh cấm của Trung Quốc đã thúc đẩy một số công ty xây dựng các nhà máy tái chế mới hoặc mở rộng các nhà máy tái chế đã được xây dựng tại Hoa Kỳ. Phần lớn phế liệu ở các nước đang phát triển thiếu cơ sở hạ tầng tái chế xây dựng bởi Trung Quốc dự đoán sẽ bị đào thải ra các bãi chứa rác. Đây là tiếng gọi cảnh tỉnh các quốc gia cần có đủ khả năng giải quyết rác thải trong nước thay vì dựa vào quốc gia khác và sẽ cần chính sách kinh tế mới để thúc đẩy điều này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.