Thế gia xuất quan

GD&TĐ - Tháng 6 năm 1546, Mạc Hiến Tông mất, con là Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi. Hoàng thân Mạc Kính Điển muốn tôn lập Mạc Phúc Nguyên nhưng bị phản đối.

Tháp Cẩm Duệ là nơi thờ Lê Am, vị quan triều nhà Lê có nhiều công lao phục vụ triều đình.
Tháp Cẩm Duệ là nơi thờ Lê Am, vị quan triều nhà Lê có nhiều công lao phục vụ triều đình.

Bài 1: Thế gia xuất quan

Ông cho rằng, Hoằng vương Mạc Chính Trung (con thứ Mạc Đăng Dung) đã dày kinh nghiệm trận mạc, uy tín cao nên để nối ngôi.

Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính không chấp thuận và trong triều nảy sinh mâu thuẫn. Tử Nghi cùng cháu Mạc Thái Tổ là Mạc Văn Minh và các thủ hạ đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (Thái Bình) lập triều đình riêng.

Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển lập làm vua, tức là Mạc Tuyên Tông. Trước thế mạnh của phe Tử Nghi, Tuyên Tông lo lắng bỏ Thăng Long về Kim Thành (Hải Dương), Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính hợp binh mấy lần đánh Phạm Tử Nghi nhưng bị bại.

Nhân đà thắng lợi, Tử Nghi mang quân về đánh Thăng Long nhưng đều bị Kính Điển chống trả kịch liệt. Ông bị hao binh tổn tướng, không thể chiếm được thành, phải đem Mạc Chính Trung chạy ra chiếm cứ Yên Quảng (Quảng Ninh) và thường kéo về cướp phá Hải Dương.

Sau trận thua đó, Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh mang gia thuộc chạy sang Khâm châu quy thuận nhà Minh, còn Tử Nghi thu thập tàn quân trốn ra Hải Đông. Chính Trung muốn nương nhờ nhà Minh nhưng Tử Nghi và Mậu Hải phản đối chủ trương dựa vào ngoại bang. Ông bèn nảy ý định đánh phá Lưỡng Quảng và đòi lại Chính Trung.

Từ căn cứ của mình, được sự ủng hộ của Lê Mậu Hải và các tướng giỏi, Tử Nghi còn đánh dẹp cướp biển và tiêu diệt bọn tướng sĩ nhà Minh thỉnh thoảng đánh phá vào biển đảo vùng Yên Quảng để thăm dò và ra oai. Tử Nghi cử Mậu Hải mang tinh binh có lần đánh vào mấy thành thuộc Quảng Đông để đốt phá các đội thuyền cắm cờ Bình Nam và hậu cần ven biển Quảng Đông, nhằm triệt tận gốc mầm mống gây rối.

Nhà Minh giận lắm cho sứ giả cầm thư sang trách: “Nước Nam là nước nhỏ mà tráo trở lấn cướp nước lớn”. Tử Nghi bảo sứ giả: “Thời Hán, Mã Viện vô cớ đến chiếm đất đai cũ của tổ tông ta; nay ta là tướng soái Đại Việt, chức phận của ta là giữ nước.

Ngươi về nói với vua ngươi rằng, nếu muốn hòa thì đừng quấy phá, lấn lấy đất của ta nữa. Ta cũng chẳng cho quân đội động chạm đến ai...”. Năm 1547, Mạc Kính Điển phối hợp với Lê Bá Ly đánh bại được Tử Nghi.

Nhà Minh dùng mẹo sai người bắt cóc mẹ Tử Nghi và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Mậu Hải can Tử Nghi nói đi tất chết. Khi ông đến hội ước giảng hòa thì quân Minh liền bắt ông rồi giết ông vào năm 1551. Lê Mậu Hải mang thân binh bày lễ viếng chủ tướng, khóc thương một hồi rồi lên thuyền về Quảng Trị theo cha và các tướng chi họ Lê trấn giữ vùng đó.

Anh họ đi theo Tử Nghi, Cảnh Sơn cũng không muốn theo nghiệp thi cử mà nghiền ngẫm sử sách, thời thế, luyện võ, kết giao, đi sâu hội họa. Cảnh Sơn rất thích ngựa chiến và thường ngồi hàng giờ quan sát để vẽ tranh ngựa. Nhờ giới thiệu, Cảnh Sơn làm quen được với Giám ti Ngự mã của Lê Chiêu Tông, sang thời Mạc vẫn được dùng là Vũ Phi.

Cảnh Sơn vẽ nhiều tranh ngựa lại dần thân với con trai Vũ Phi là Vũ Phong nên là khách quý của nhà họ Vũ. Vũ Phi vốn quê ở Gia Lộc, Hải Dương, từng bái nghĩa sĩ Vũ Văn Uyên là đại ca. Sau này, biết tin Văn Uyên rời Gia Lộc lánh lên Tuyên Quang rồi xây dựng lực lượng riêng, cát cứ cả vùng Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, nhà Vũ Phi vẫn bí mật liên hệ với anh em nhà Văn Uyên, Văn Mật.

Nhà Vũ Phi bề ngoài làm quan coi sóc ngựa chiến cho triều Mạc, được phép cử người lên mạn ngược mua ngựa, nhưng bên trong vẫn ngầm ủng hộ anh em Vũ Văn Uyên cung cấp tin tức kinh thành cho Văn Uyên và tán thành việc phù Lê chống Mạc của Văn Uyên.

Trước năm 1526, vua Lê Chiêu Tông ở thế yếu, muốn có thêm thế lực ủng hộ mình, nên phong cho Vũ Văn Uyên làm Khánh Bá Hầu. Vũ Văn Uyên chọn vùng đất Nặm Ràng (tức Phố Ràng, tỉnh Lào Cai ngày nay) là nơi quy tụ các đầu mối giao thông để xây dựng căn cứ.

Năm 1527, Văn Uyên huy động người dân trong vùng xây thành Nghị Lang (còn gọi là thành Bầu hay phủ Bầu và sau này các thế hệ sau được gọi là chúa Bầu) trên đỉnh đồi Tấp giữa thung lũng Phố Ràng. Đến năm 1533 thì thành được xây dựng xong, biến nơi đây trở thành căn cứ kinh tế, quân sự hùng mạnh lúc bấy giờ.

Ngoài thành Nghị Lang, Vũ Văn Uyên cho xây dựng một số thành khác như thành Trung Đô (Bảo Nhai - Bắc Hà ngày nay), thành Bảo Hà, thành Nghĩa Đô… tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc, không chịu theo nhà Mạc. Vốn thích phiêu lưu, quảng giao, Lê Cảnh Sơn nhiều lần được theo Vũ Phong lên đất của Văn Uyên mua ngựa và được anh em Văn Uyên rất mến mộ, nên Cảnh Sơn được mời ở lại tổ chức việc xây thành, luyện binh.

Cảnh Sơn dựa vào mô hình đội “Hổ báo kỵ” của Tào Tháo để xây dựng đội quân “Phong vũ quân” cho chúa Bầu. Đội quân này có lúc lên 800 người trang bị đao ngắn, nỏ, võ nghệ giỏi, dũng cảm, chuyên đánh thọc sườn hoặc đột kích nơi hiểm yếu của địch.

Năm 1533, tại Sầm Châu (Lào), An Thanh hầu Nguyễn Kim cùng Trịnh Duy Thuận, Lại Thế Vinh, Trịnh Duy Liêu... lập Lê Ninh làm vua hiệu là Lê Trang Tông mở đầu thời Lê Trung hưng. Văn Uyên cũng cho người liên hệ với Nguyễn Kim, ủng hộ chủ trương phù Lê, diệt Mạc, vua rất mừng, phong ông làm Gia quốc công.

Từ đó, Văn Uyên chủ động cử binh tiến đánh quân Mạc nhiều trận lớn nhỏ. Quân nhà Mạc do Mạc Phúc Hải chỉ huy đã tổ chức vài vạn quân tấn công tiến đánh Vũ Văn Uyên mấy trận, nhưng Văn Uyên theo kế của Cảnh Sơn, tránh chủ lực nhà Mạc, đánh bất ngờ trong đêm, dương đông kích tây, lợi dụng địa hình chia cắt địch ra đánh.

Khi địch mỏi mệt, túng thế tung “Phong vũ quân” ra tiêu diệt sinh lực địch, đặc biệt nhắm bắn vào các tướng khi ở cự ly không xa. Có trận, Văn Uyên nhử quân Mạc vào ổ phục kích, đánh quân Mạc tả tơi, khiến nhà Mạc đành phải để cho họ Vũ cát cứ vùng này. Năm 1551, khi tướng nhà Lê là Lê Bá Ly (trước từng là tướng của phe nhà Mạc) đánh Thăng Long, Văn Uyên phối hợp tràn xuống chiếm mấy phủ vùng trung du.

Năm 1557, thái sư Trịnh Kiểm nhà Lê cất quân đánh Mạc, theo đường Thiên Quan ra Hưng Hóa, tới Tuyên Quang. Vũ Văn Uyên ra đón chào, Trịnh Kiểm rất mừng, cho ông trấn giữ Đại Đồng và các vùng xung quanh. Sau đó, vua Lê ban cho ông quyền thế tập đời đời trấn giữ Tuyên Quang.

Cũng trong năm đó, Vũ Văn Uyên chết không có con nối dõi, em ông là Vũ Văn Mật nối quyền, tập tước Gia quốc công và được tôn xưng là chúa Bầu. Lê Cảnh Sơn vẫn được Văn Mật tin dùng, nhưng Cảnh Sơn thấy nhớ vợ con và kinh thành nên xin về Thăng Long. Có những chiều, Cảnh Sơn xong việc quân, ngồi giữa tướng sĩ cất giọng hát bài ca “Người chăn ngựa” do mình sáng tác và mọi người hòa theo như sau:

Có chàng chăn ngựa nhớ người yêu!

Trèo lên cây cao, mắt đau đáu dõi về quê,

Trượt chân ngã nhào, rách quần mới,

Lên ngựa, phi nhanh, chàng hát vang:

Nàng ơi, chớ cười, người quần rách đang về!

Người quần rách, mắt vẫn sáng, da sạm nắng,

Mang trái tim nhớ thương, đang phóng ngựa về đây!

Nguyên hồi ở Thăng Long, qua bạn bè, Cảnh Sơn có yêu và cưới một cô thôn nữ duyên dáng, con thầy đồ ở làng Quan Nhân (Mọc), sau có 2 con. Được chúa Bầu cho phép, anh về thăm vợ con ít ngày, sau đó sợ nhà Mạc biết thân phận nên anh gói ghém đồ đạc, mang vợ con đi vào Quảng Trị với họ mạc, vì lâu không biết tin tức cha mẹ, họ hàng.

Còn chúa Bầu và tướng sĩ luôn nhớ Cảnh Sơn nên mỗi dịp tụ họp nhân lễ tết, hội hè lại cùng nhau hát vang bài hát “Người chăn ngựa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ