Thể dục dụng cụ Việt Nam: Vượt rào cản, rèn bản lĩnh

Sự kiện tâm điểm đối với những cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam tuần qua chính là việc bà Nellie Kim - Phó Chủ tịch, Đại sứ Liên đoàn Thể dục thế giới, một trong những huyền thoại giành nhiều huy chương Olympic nhất đến Việt Nam trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy với mong muốn hỗ trợ phát triển thể dục dụng cụ Việt Nam. 

Bà Nellie Kim thị phạm động tác cho vận động viên
Bà Nellie Kim thị phạm động tác cho vận động viên

"Các bạn không thiếu vận động viên giỏi, nhưng rất cần vượt rào cản tâm lý, rèn bản lĩnh thi đấu để vươn tầm Thế vận hội" - bà Nellie Kim nhận xét.

Thi đấu như lúc tập: Nói dễ, làm khó!

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc đánh giá sự phát triển của Thể dục dụng cụ Việt Nam thời gian qua, bà Nellie Kim chia sẻ: "Tôi đánh giá cao những gì mà Liên đoàn thể dục Việt Nam làm được trong thời gian qua. Các vận động viên Việt Nam đã giành được huy chương tại các giải thế giới và được góp mặt thi đấu ở một số kỳ Olympic. Việt Nam có những vận động viên giỏi, kỹ thuật, có nhiều động tác có độ khó cao, nhưng các bạn thiếu sự ổn định về trạng thái tâm lý để khi thi đấu vẫn thể hiện được đầy đủ năng lực như lúc tập luyện".

Thực vậy, hàng chục năm qua, Việt Nam đã và đang tạo dựng một thế hệ vàng của Thể dục dụng cụ. Những vận động viên như Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương, Hoàng Cường, Đặng Nam, Đinh Phương Thành, Phan Thị Hà Thanh, Lê Thanh Tùng... đã trải qua những năm tháng khổ luyện theo nghiệp, lần lượt ghi danh trên bảng vàng thành tích không chỉ ở đấu trường SEA Games, mà cả ASIAD, các giải đấu châu lục và các Cúp thế giới. Nay, Nguyễn Hà Thanh, Đỗ Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh đã chuyển dần sang công tác huấn luyện. Phạm Phước Hưng cũng vào chặng chững lại về thành tích, chủ yếu thi đấu ở nội dung đồng đội để hỗ trợ các vận động viên trẻ. Trong khi đó, thế hệ đàn em vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế hệ đàn anh, đàn chị. Giấc mơ giành huy chương Olympic đã khó lại càng trở nên xa vời.

Huấn luyện viên đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia Trương Minh Sang bày tỏ: "Để đến được, và chinh phục đấu trường Olympic, chúng ta chưa đến lúc sử dụng các nhân tố mới. Những vận động viên như Đinh Phương Thành, Đặng Nam, Lê Thanh Tùng, Phạm Phước Hưng... vẫn là những nhân tố trọng điểm, có kỹ thuật tốt và nhiều kinh nghiệm. Nhưng rèn được bản lĩnh để có thể không bị ngợp tâm lý khi ra đấu trường lớn, giữ được sự ổn định để có thể thi đấu như lúc tập không dễ chút nào. Chính vì vậy, những bài học mang đậm tính thực tế về những cái hay, cái mới trong tư duy huấn luyện, phương pháp huấn luyện tâm lý vận động viên... mà bà Nellie Kim mang lại qua khóa đào tạo ngắn hạn tuần qua rất quan trọng".

Những bài học từ trải nghiệm thực tế

Không phải ngẫu nhiên những bài học đầu tiên bà Nellie Kim giới thiệu chính là những video hình ảnh bà và đồng đội thi đấu thành công tại Olympic. Bà chia sẻ: "Là người từng vô địch ở 5 kỳ Olympic và World Championship, đồng thời cũng là huấn luyện viên, trọng tài và nhà quản lý, tôi nghĩ mình có thể đóng góp một chút sức mình trong sự phát triển của thể dục ở Việt Nam.

Việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và động viên thế hệ trẻ giành được thành tích cao hơn là điều vô cùng quan trọng". Nói thêm về việc này, huấn luyện viên Trương Minh Sang đánh giá: "Trăm nghe không bằng một thấy. Việc gặp gỡ trực tiếp huyền thoại, được bà và các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi hàng đầu thế giới hướng dẫn, chỉnh sửa động tác, thị phạm cho vận động viên thực sự có ý nghĩa rất lớn, tạo niềm tin và sự chuyển đổi tâm lý của các em".

Câu chuyện thành công của bà Nellie Kim chính là bài học hết sức thuyết phục. Sinh năm 1957, là vận động viên thể dục dụng cụ nữ đầu tiên đạt điểm 10 tuyệt đối nội dung nhảy chống và thể dục tự do tại các kỳ Olympic, từng giành 3 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc tại Thế vận hội Olympic năm 1976, 2 Huy chương vàng Olympic 1980, nhưng ít ai biết những khó khăn bà Nellie Kim đã phải trải qua.

"Thông điệp tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ, đó là hãy dũng cảm biến điều không thể thành có thể, hãy kiên trì, thể hiện được bản lĩnh, hãy chiến thắng từng động tác do chúng tôi hướng dẫn. Các bạn có tài năng, hãy đam mê, kiên nhẫn, chăm chỉ, bạn chắc chắn sẽ thành công".

Trong khuôn khổ khóa đào tạo, bà Nellie Kim và ông Artur Akopyan - người từng giành nhiều Huy chương vàng Olympic và vô địch thế giới khi là vận động viên đã chia sẻ những kinh nghiệm quý về việc chuẩn bị tâm lý cho vận động viên khi thi đấu, hướng dẫn các vận động viên rèn kỹ thuật, thực hành các bài tập thể dục tự do, nhào lộn, các động tác xoắn và bay trong xà lệch...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam Nguyễn Kim Lan đánh giá, đây là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển môn thể dục dụng cụ, góp phần nâng cao chất lượng, kỹ thuật, chiến thuật và tâm lý thi đấu cho các vận động viên thể dục nước nhà tiếp cận trình độ quốc tế.

Tin rằng những bài học từ khóa đào tạo ngắn nhưng giá trị tuần qua sẽ mang lại "cú hích" cần thiết để các vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam tự tin hơn, quyết tâm hơn trong hành trình giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020, và xa hơn là chinh phục giấc mơ có huy chương Olympic.

Theo Hanoimoi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.