Thầy trò ở Mường Khương mơ về cây cầu vững chãi

GD&TĐ - Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương – Lào Cai) nằm bên kia suối. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết khiến GV và HS sợ hãi khi đi qua cây cầu bắc tạm.

120 HS Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương - Điểm trường Sả Hồ hàng ngày đến trường qua cây cầu bắc tạm.
120 HS Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương - Điểm trường Sả Hồ hàng ngày đến trường qua cây cầu bắc tạm.

Ước mơ lớn nhất của thầy trò Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương là có cây cầu rộng dài, vững chắc.

Hàng trăm người lưu thông trên cầu tạm

Cô Lồ Thị Thền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số thị trấn 2 Mường Khương (Mường Khương – Lào Cai) với tâm trạng ngổn ngang lo lắng chia sẻ: Trước năm 2007, cây cầu tạm bằng sắt bắc qua suối để vào trường đã bị nước lũ cuốn phăng.

Sau đó, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương, đoàn thể trên địa bàn đã huy động kêu gọi được sự giúp sức của Thành Đoàn Hà Nội phối hợp Đồn Biên phòng Mường Khường (BCH – BĐBP Lào Cai) xây dựng cho người dân nơi đây một cây cầu bê tông thay thế. Năm 2008 cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 “GV, HS vui mừng lắm vì không phải lội qua suối để tới trường, tuy nhiên kinh phí có hạn nên cầu được thiết kế hẹp, chủ yếu cho người dân đi bộ, ngang rộng khoảng 1m dài hơn 3m. Nếu xe máy đi qua thì chỉ 1 xe lưu thông 2 xe đi ngược chiều sẽ không tránh được nhau và bắt buộc phải lùi. Muốn trở gì cồng kềnh với bề ngang gần 1m cũng khó khăn…” – Cô Lồ Thị Thền chia sẻ.

Mùa mưa lũ, nước suối có thể dâng cao quá mặt cầu khiến GV, HS lo lắng.
Mùa mưa lũ, nước suối có thể dâng cao quá mặt cầu khiến GV, HS lo lắng.

Được biết, phía bên kia cầu tạm, ngoài 150 CB, GV, HS của Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương còn có khoảng 10 hộ dân với 5-7 người/hộ sinh sống cũng tham gia lưu thông  Như vậy, hơn 200 con người vẫn qua lại cây cầu tạm, thiếu tiện dụng, mưa lũ về nước dâng cao có thể ngập mặt cầu và cuốn trôi người đi cầu…

Cũng theo chia sẻ của cô Lồ Thị Thền: Nhiều năm qua, HS tăng lên về sĩ số, nhu cầu mở rộng nâng cấp trường lớp để đáp ứng việc dạy và học của GV, HS cũng trở nên khó khăn bởi trở ngại đường vào trường.

Mỗi lần nguyên vật liệu xây dựng, mua sắm bàn ghế, đồ dùng học tập, lương thực thực phẩm… muốn chuyển vào trường thì GV, phụ huynh phải ra tận đường cái khuân vác vật liệu qua cầu đưa vào trường. Nặng nề, khó khăn đến mấy đều phải dùng sức người vận chuyển bởi nhà trường không có kinh phí để thuê người bốc vác…

Tuy nhiên, điều mà cô Lồ Thị Thền và tất cả GV dạy tại điểm trường cùng lo lắng nhất đó là vào mùa lũ, nước từ khe núi ùa về nhanh, bất ngờ, có khi chỉ trong vài chục phút - 1 giờ đồng hồ là cây cầu ngập trắng, nước chảy siết. HS, GV đi lại qua cầu không cẩn thận hoàn toàn có thể bị lũ cuốn trôi…

Cây cầu quá hẹp về chiều rộng nên bất tiện trong quá trình lưu thông.
Cây cầu quá hẹp về chiều rộng nên bất tiện trong quá trình lưu thông. 

Ước mơ về một cây cầu

Có thể thấy, tới nay cây cầu tạm không còn đáp ứng được nhu cầu dân sinh của 150 thầy trò điểm trường chính Sả Hồ và người dân. Thế nhưng nó lại là cây cầu duy nhất cho hơn 200 người dân hàng ngày qua lại. Sự nguy hiểm vẫn rình rập, nỗ lo còn đó…

Cô Vàng Thị Yến, người gắn bó với Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương hàng chục năm, và hiện dạy học tại điểm trường chính Sả Hồ 5 năm qua bày tỏ:

“Chúng tôi luôn nhắc nhở HS mỗi khi qua cầu phải cẩn thận, không được đùa nghịch, leo trèo... Những ngày mưa lũ, nếu thấy nước lên cao sát mặt cầu phải nhờ thầy cô đưa qua. Bản thân GV vào mùa mưa lũ phải chủ động quan sát mức nước lên, tốc độ dòng chảy… để hướng dẫn hoặc trực tiếp đưa HS qua cầu, hay gọi bố mẹ HS tới đón...”.

 Giáo viên dạy tại Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương, điểm trường Sả Hồ còn cho biết: Mùa lũ tại Mường Khương thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Thực tế đã chứng kiến nhiều trận lũ nước đổ về rất nhanh, nước dâng cao có thể gây nguy hiểm cho GV, HS. Mà thời điểm tháng 5 HS vẫn đi học, nghỉ tháng 6, 7 đến giữa tháng 8 đã trở lại trường. Như vậy, nguy cơ mất an toàn với GV, HS vẫn rình rập nếu không có một cây cầu mới to rộng, vững chắc hơn thay thế.

Đường tới Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương cơ bản tốt nhưng HS vẫn phải đi qua cầu tạm.
Đường tới Trường TH số 2 thị trấn Mường Khương cơ bản tốt nhưng HS vẫn phải đi qua cầu tạm.

“Những ngày mưa lũ, HS hồn nhiên như thế nhưng cũng đầy lo lắng. Nhiều em nói với tôi rằng “ước mơ có cây cầu mới” để HS không còn sợ mỗi khi qua cầu. Dù trời nắng hay mưa thì HS vẫn có có thể tới trường, không vì nỗi lo đường tới trường mất an toàn mà phải nghỉ học…” – Cô Vàng Thị Yến nói.   

Em Pờ Tà Quân – Học sinh lớp 5A, nhà cách trường 4km, hàng ngày đi về ít nhất 2 lần qua cầu, cũng chia sẻ mong muốn được đi học qua cây cầu mới rộng rãi, thuận tiện hơn. Mỗi lần qua cầu em và các bạn không còn cảm giác lo lắng, nem nép đi sát cầu. Đặc biệt vào mùa mưa lũ không còn nỗi lo nước cuốn cầu, cuốn người…

 “Một cây cầu rộng 4m chiều bắc qua suối để hàng ngày thuận tiện cho GV, HS, người dân đi lại, vận chuyển… luôn là ước mơ cháy bỏng của tất cả GV, HS nhà trường. Khi chưa có cầu mới thì nỗi lo mất an toàn đường tới trường vẫn còn đó trong GV, HS, phụ huynh…”- Cô Vàng Thị Yến chia sẻ.

Cô Lồ Thị Lan – GV trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương tâm sự: Ngày nào đón HS tới lớp mùa mưa lũ HS cũng nói: "Nước suối dâng lên cao và chảy mạnh, nước tràn qua cầu… Chúng em sợ lắm cô à!". Chính vì vậy, mỗi mùa nước lũ kéo về lại mong ước có một cây cầu rộng hơn để HS yên tâm tới trường.

Cô Lồ Thị Thền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương (Mường Khương – Lào Cai) bày tỏ: 100% HS người dân tộc, đời sống nhân dân khó khăn. Việc huy động, xã hội hóa để xây cầu mới nằm ngoài khả năng của nhà trường, thầy cô. Vì vậy, mong ước về cây cầu mới bắc qua suối, hỗ trợ HS, GV đến trường chưa biết tới khi nào thành hiện thực.

Nếu có cầu mới, chắc chắn việc duy trì lỉ lệ chuyên cần HS sẽ tốt hơn, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên. Và đặc biệt, sự an toàn của GV, HS, người dân đi lại qua cầu được đảm bảo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.