Sẻ chia những mất mát
Đối với người khuyết tật đôi chân, việc di chuyển hằng ngày chính là những chiếc xe lăn. Thế nhưng, có đôi lúc phương tiện di chuyển của họ lại bị hư hỏng hay xuống cấp khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn hơn.
Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả ấy, thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đã triển khai dự án với tên gọi “Cộng đồng xe lăn yêu thương”. Dự án được tạo ra nhằm sửa chữa miễn phí, làm mới và trao tặng những chiếc xe lăn cho người khuyết tật.
Trưa đầu tuần, chúng tôi có mặt tại xưởng sửa xe của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Nơi đây, hàng chục sinh viên sau giờ học của mình đang tỉ mỉ sửa chữa những chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Đây là những chiếc xe lăn được các bạn sinh viên nhận từ những người khuyết tật về để sửa chữa miễn phí cho họ.
Sau khi “bắt bệnh” cho chiếc xe lăn, Lê Văn Dương (sinh viên năm 3, ngành Công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng) đã xắn tay áo bắt đầu vào việc sửa chữa. Dương cho hay, em bắt đầu làm công việc sửa chữa xe lăn được gần 1 năm nay. Trước đây, thời gian rảnh rỗi Dương thường đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, nhưng từ khi trường tổ chức mô hình này, Dương cùng với những người bạn trong lớp đã sắp xếp việc làm thêm để dành thời gian làm thợ sửa xe lăn.
Bên cạnh Dương là sinh viên Nguyễn Hồng Quân – học năm 3. Quân đang chăm chú chỉnh lại bánh lái và phanh tay cho chiếc xe lăn mà mình vừa “đại trùng tu” xong trước khi bàn giao. Quân tâm sự rằng, ngay từ khi có dự án, Quân đã xung phong xin vào đội sửa chữa. Sau khi được tuyển chọn, Quân vừa học hỏi vừa phụ theo các anh. Dần dần, sau 1 năm “training”, Quân đã trở thành người thợ vững tay nghề của xưởng sửa xe lăn.
“Do học ngành Công nghệ ô tô nên khi nghe trường có dự án “Cộng đồng xe lăn yêu thương” là em xung phong tham gia ngay. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng qua một thời gian, em được các thầy, các anh khóa trước hỗ trợ và giờ đã tự sửa được những chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Mỗi chiếc xe khi sửa xong, em cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp một phần công sức, chia sẻ gánh nặng với những người kém may mắn trong cuộc sống”, Quân tâm sự.
Đoàn viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng nhận xe lăn về sửa chữa miễn phí. |
Điểm tựa cho người khuyết tật
Anh Lê Thanh Ngà - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng - cho biết, mô hình “Cộng đồng xe lăn yêu thương” là một chương trình rất có ý nghĩa và thiết thực. Từ khi đi vào hoạt động tháng 6/2022, đến nay xưởng có khoảng gần 20 sinh viên và đã sửa chữa được 30 chiếc xe lăn để trao trả lại cho những người khuyết tật trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo anh Ngà, đa phần các xe lăn điều khiển bằng tay thường bị hư hỏng ở lốp. Vì vậy, các thầy cùng các sinh viên trong xưởng đã cùng nhau thảo luận và sửa xe sao cho đúng với quy chuẩn và đảm bảo độ bền cho xe, đặc biệt là phải tạo sự an toàn tối đa cho người sử dụng.
“Khi cần sửa chữa xe lăn, người dân chỉ cần gọi vào số điện thoại đường dây nóng của trường (02363.940.946 - P.V) là sẽ có người đến nhận xe mang về sửa và trao trả trong vòng từ 2 - 5 ngày. Điều khó nhất trong việc sửa chữa là phụ tùng thay thế, nhất là các loại xe mới sau này. Bởi vậy, các em phải chế lại từ những vật liệu, linh kiện có sẵn trong xưởng. Đặc biệt, có trường hợp mất cả tay lẫn chân, dùng xe lăn khó khăn, các em phải sáng chế thêm bộ điều khiển và chế thành xe tự động để họ dễ sử dụng hơn”, anh Ngà cho hay.
Theo Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, chi phí sửa chữa cho mỗi chiếc xe lăn chỉ tốn khoảng vài trăm ngàn đồng, còn chi phí mua chiếc xe lăn mới tốn khoảng vài triệu đồng. Chính vì thế, mô hình sửa chữa xe lăn miễn phí cho người khuyết tật sẽ giúp giảm chi phí, đỡ một phần gánh nặng cho người khuyết tật, nhất là những người nghèo khó.
Thầy Hồ Viết Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng - cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố và cả nước, những điểm sửa chữa xe lăn cho người khuyết tật hầu như rất ít. Người khuyết tật vốn nghèo khó nên sẽ rất vất vả khi phải sắm cho mình một chiếc xe lăn mới. Chính vì vậy, Trường đã phát động cùng các sinh viên và Đoàn Thanh niên làm dự án sửa chữa xe lăn miễn phí.
“Những phụ tùng, phụ kiện trên xe lăn hiếm đã được các em chế tạo và sửa chữa. Đây là kỹ năng sáng tạo trong quá trình học và thực hành của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, mục tiêu của nhà trường hướng đến trong mô hình này là tính cộng đồng, xây dựng cho các em lòng yêu thương giữa con người với nhau. Luôn nghĩ đến những người yếu thế trong xã hội để giúp đỡ họ hòa nhập với cuộc sống. Giúp họ có ‘đôi chân’ vững vàng hơn”, thầy Hà chia sẻ.