Thầy - trò lên kế hoạch ôn luyện

GD&TĐ - Với những đổi mới trong phương án thi, giáo viên – học sinh lớp 12, hiệu trưởng các trường THPT trên cả nước đã bắt tay lên kế hoạch ôn tập. 

Thầy - trò lên kế hoạch ôn luyện

Với các giáo viên môn xã hội như Lịch sử, Địa lý - những môn thi tự luận - khởi động ôn luyện sớm sẽ càng tích lũy, hệ thống kiến thức hiệu quả.

Ban giám hiệu bổ sung thời lượng ôn tập

Thầy Nguyễn Đình Hiểu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) - cho biết: “Để ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả cao, ngay từ bây giờ Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch từng bộ môn bám sát vào kế hoạch của trường. 

Đồng thời bổ sung thêm thời lượng ôn tập, tích cực hơn trong công tác phụ đạo cho các em bằng cách xen kẽ vào các buổi học chính khoá và tăng thời gian học 2 buổi/ngày.

Thầy cũng cho biết thêm: Điểm mới năm nay trong thi tốt nghiệp là các em học sinh được thi 2 môn tự chọn nên các em học sinh sẽ chọn môn thi trắc nghiệm nhiều hơn môn thi tự luận.

Bênh cạnh đó, nhà trường luôn luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên, các em học sinh cần phải học thật, thi thật, kiên quyết xử lý nghiêm các tiêu cực trong thi cử ngay từ những bài kiểm tra định kỳ trên lớp nhằm giáo dục các em tinh thần học tập, thi cử trung thực.

Giáo viên hướng dẫn kỹ năng làm bài thi môn xã hội

Thầy Sải Văn Trung - Giáo viên môn Địa lý Trường THPT số 2 Bắc Hà (Lào Cai) - chia sẻ: Tôi sẽ hệ thống lại toàn bộ những kiến thức quan trọng trong sách giáo khoa để hướng dẫn cho các em ôn tập. Đồng thời, hướng dẫn các em một số kỹ năng làm bài kiểm tra đối với môn Địa lý.

Những năm gần đây, Bộ thường ra đề theo hướng mở, vì thế việc các em biết vận dụng những kiến thức thực tế vào bài thi của mình sẽ mang lại điểm số cao. 

Với đặc thù dạy học ở miền núi, các em không có điều kiện học thêm, cập nhật Internet, tôi đã chuẩn bị những tài liệu tham khảo, hình ảnh, bài báo để minh họa cho mỗi bài giảng của mình. Tin rằng bằng cách dạy trực quan, các em sẽ tiếp thu bài giảng dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thầy Đặng Thanh Toán - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) - khuyên học sinh nắm vững kiến thức trong SGK.

Thầy Toán cho biết: Khoảng bắt đầu từ tháng Ba, khi cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 nhà trường sẽ lên kế hoạch chi tiết cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT. 

Hiện nay, môn Lịch sử vẫn là 2 tiết trên tuần và với các môn thi tốt nghiệp khác cũng vậy, nhà trường chưa có điều kiện tăng giờ, tăng tiết.

Tuy nhiên, giáo viên không chờ đợi kế hoạch này mà luôn lên dây cót tinh thần cho cả mình và học sinh ngay từ đầu năm học, đó là phải học thật sự nghiêm túc.

Điểm mới của xếp loại tốt nghiệp năm nay là có tính 50% quá trình học tập và rèn luyện ở phổ thông. Bởi vậy, sự cố gắng trong cả quá trình của học sinh rất có ý nghĩa.

Thi tốt nghiệp - bước tập dượt thi ĐH

Em Hoàng Thị Khương, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Lê Quý Đôn (Lai Châu): Việc thi tốt nghiệp 4 môn giúp em có thời gian tập trung hơn vào các môn thi đại học.

Từ đầu năm học, các thầy cô trong trường đã tổ chức cho chúng em ôn thi tốt nghiệp và học đều tất cả các môn. Em tin rằng chúng em đã có đủ kiến thức để phục vụ cho kì thi này. Khi biết tin thi tốt nghiệp năm nay sẽ chỉ còn 4 môn, em tập trung vào các môn thi đại học đã được chọn từ trước.

Năm nay em đăng kí thi khối C (Văn, Lịch sử, Địa lý) cùng với Toán là môn thi bắt buộc nên theo em, kì thi tốt nghiệp sẽ là đợt tập dượt cho kì thi đại học kế tiếp.

Trong kì thi chọn HSG quốc gia năm nay, Khương đoạt giải khuyến khích môn Lịch sử. Ngoài ra, em còn học giỏi đều các môn Toán, Văn.

Học sinh Phạm Thị Thùy Linh - Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) và học sinh Đỗ Thị Phương Thảo - Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng thi khối C nên môn tự chọn thi tốt nghiệp là Lịch sử và Địa lí. Như vậy, các em vừa ôn bài thi tốt nghiệp, vừa khai thác sâu kiến thức để thi vào ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ