Thầy trò chế tạo "ATM gạo" miễn phí - Nối dài yêu thương

Thầy trò chế tạo "ATM gạo" miễn phí - Nối dài yêu thương

Mệnh lệnh từ trái tim

“Trong mùa dịch Covid-19, nhiều người đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm. Cuộc sống của người nghèo đã khó càng thêm khó. Nếu có một chiếc máy ATM phát gạo miễn phí chắc chắn sẽ giúp không ít người vượt qua giai đoạn này. Hơn thế, duy trì sự sống cho người nghèo cũng là đồng hành cùng đất nước phòng, chống dịch…” - đó chính là suy nghĩ, trăn trở của em Lê Hoàng Quốc – lớp 12D1, Trường THPT số 1 TP Lào Cai khi nghĩ về chiếc máy ATM phát gạo miễn phí.

Với suy nghĩ đó, Lê Hoàng Quốc đã trình bày nguyện vọng nghiên cứu máy ATM phát gạo miễn phí với cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 TP Lào Cai. Nhận thấy đây là ý tưởng ý nghĩa, thiết thực và hoàn toàn có thể triển khai nên Ban giám hiệu nhà trường, BCH Đoàn đã bàn bạc, thống nhất và quyết định giúp đỡ để Lê Hoàng Quốc thực hiện.

Khi có sự ủng hộ của thầy cô trong trường, Lê Hoàng Quốc cùng nhóm HS trong Câu lạc bộ STEM bắt tay vào nghiên cứu với những yêu cầu đặt ra như: Mô hình phát gạo dù miễn phí cho người nghèo nhưng phải văn minh, tiện lợi và đặc biệt bảo đảm an toàn dịch tễ, hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh.

Để hình thành chiếc máy ATM phát gạo miễn phí, nhóm HS phải lập trình tính toán thời gian đóng mở van gạo tự động sao cho mỗi lần máy xuất ra đúng 3kg gạo. Ngoài ra, khâu chọn ống nước phải đủ rộng, lưu lượng gạo chảy với tốc độ vừa phải, thiết kế chế tạo thử nghiệm và gia công van điện đóng mở để không bị rò gạo… cũng phải nghiên cứu thật chuẩn xác. Nghiên cứu “ruột” máy thành công chưa hết, việc gia công đóng hộp, thiết kế các thiết bị gọn gàng bảo đảm an toàn điện và hợp vệ sinh cũng đòi hỏi nhóm phải bàn thảo, cân nhắc để đưa ra quyết định tối ưu.

“Với nỗ lực trong nghiên cứu khoa học cùng sự đồng cảm, mong muốn giúp đỡ người nghèo trong thời điểm dịch bệnh… chỉ sau 48 tiếng cây ATM phát gạo miễn phí đã hoàn thành. Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, bộ điều khiển bằng van tự động và bàn đạp giậm chân ở dưới để người dân tránh tiếp xúc bằng tay. Mỗi lần ấn vào bàn đạp mini, gạo sẽ nhả đúng số lượng 3kg theo lập trình sẵn…” – em Lê Hoàng Quốc chia sẻ.

Và theo quy định, người dân được hỗ trợ mỗi lần 3kg gạo. Khi đến nhận gạo, phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn.

Tăng cường hoạt động ý nghĩa từ trường lớp

Tạo ra máy ATM phát gạo miễn phí thành công chưa đủ, nhà trường và nhóm HS lại dấn thêm một hành trình “yêu thương” khác đó là kêu gọi, huy động hỗ trợ gạo cho người nghèo.

Cô Hà Thùy Linh – Bí thư Đoàn Trường THPT số 1 TP Lào Cai cho biết: Sau 2 ngày phát động, dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà hảo tâm, thầy cô giáo, phụ huynh, HS, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Nhiều phụ huynh khi biết thông tin đã chở đến trường hàng tạ gạo để ủng hộ cho chương trình… Hy vọng trong những ngày tới sẽ còn nhiều người ủng hộ để người nghèo được sẻ chia giúp đỡ lúc khó khăn.

“Với phương châm đẩy mạnh giáo dục toàn diện HS, nhà trường luôn quan tâm, động viên khích lệ việc học tập cũng như sự sáng tạo của HS. Chế tạo thành công máy ATM gạo và trước đó là máy hút cống tự động; flycam lọc khí bụi; robot thám hiểm di chuyển trên mọi địa hình hay dung dịch nước rửa tay khô trong mùa dịch cho thấy ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, thầy trò nhà trường còn có hành động ý nghĩa, thiết thực. Chúng tôi cảm kích trước tâm huyết của các em và sẽ cố gắng đồng hành nhiều nhất có thể để các em biến ý tưởng thành hiện thực, học đi đôi với hành” - cô Phạm Thị Tuyết Thanh chia sẻ.

Máy ATM phát gạo miễn phí của nhóm HS và GV Trường THPT số 1 TP Lào Cai vận hành với phương châm “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Nếu bạn cần, hãy đến lấy. Nếu bạn ổn, hãy nhường người khác. Nếu bạn có, hãy đóng góp thêm!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.