Thầy Ký và những ước mơ thành hiện thực

GD&TĐ - Những quan niệm sống, hoài bão, những câu chuyện cuộc đời đầy gian khó và thành công của thầy Nguyễn Ngọc Ký là pho sách quý luôn mới mẻ với bao thế hệ cắp sách tới trường. 

Thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn được học sinh đón chào như một tấm gương sáng để noi theo
Thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn được học sinh đón chào như một tấm gương sáng để noi theo

Vừa qua, người thầy giáo “đặc biệt” này đã có buổi giao lưu, truyền lửa đến với thế hệ thanh thiếu niên Thủ đô, đặc biệt những em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn… càng thấm hơn những chia sẻ về nghị lực vươn tới ước mơ của thầy Ký.

Hành trình vượt qua nỗi đau của bệnh tật

Căn phòng buổi tọa đàm “Làm gì để biến ước mơ thành hiện thực” của nhà sách Tân Việt trở nên “bé nhỏ” hơn rất nhiều với số lượng người tham gia. Đây là cuộc giao lưu thứ 1.493 của thầy Nguyễn Ngọc Ký với thanh thiếu niên Việt Nam.

Nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi. Từ đó, ngày nào cậu bé Ký cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc.

Ông nhớ lại: “Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường, tôi cũng lân la nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho tôi học một buổi, rồi dẫn tôi về nhà nói với bố mẹ: Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học, hai bác giữ em ở nhà để các bạn trong lớp tập trung học. Bố mẹ và các chị tôi lúc đó chỉ biết an ủi tôi. Thời đó, cả nhà tôi không ai biết chữ nên chẳng ai dạy cho tôi”.

“Ở nhà, tôi cứ lang thang ra vườn, thấy chim tha mồi bằng mỏ, tôi bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng không được. Thấy gà bới rác ở vườn, tôi lấy chân quặp viên gạch tập viết”, ông nói tiếp.

“Nhiều lần mẹ tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy con mình mồ hôi nhễ nhại đánh vật với các chữ viết đầy sân. Tôi bắt đầu tập viết chữ O, chữ V, rồi tôi tiếp tục kẹp bút viết lên tập. Thế là một hôm, vì nể gia đình nên cô giáo cho tôi vào lớp học, nhưng cô không tin rằng tôi viết được”.

“Khi các bạn đi học biết viết, mình chỉ ngồi trơ, tự dưng nước mắt cứ trào ra rồi tìm cách tập viết. Ban đầu tôi tập viết bằng miệng, nhưng rồi khi chữ chưa hiện ra thì nước mắt, nước mũi đã trào ra, không thể viết được. 

Tiếp tục khắc phục tìm cách khác có thể viết được chữ, tôi dùng đến đôi chân của mình, nhờ người bạn làm cho cây bút chì vuông cho đỡ trơn, rồi cứ thế tập viết… Sau 3 tháng trời miệt mài luyện tập, tôi cũng đã viết được 24 chữ cái”.

“Tôi vào tiểu học, ngoài học Toán và Văn, tôi rất thích môn Thủ công. Tôi cũng mang kéo đến lớp nhưng khi các bạn cắt xong tôi vẫn loay hoay không biết cắt thế nào. Đêm ấy tôi không ngủ được cứ nghĩ các bạn cắt được mình cũng cắt được. Tôi tập cắt kéo bằng chân, tôi cặp 2 chân vào hai bên kéo, nhưng thế thì tôi cầm giấy thế nào. Thế rồi tôi lại tập kẹp kéo bằng một chân còn chân kia thì kẹp giấy...”.

Với danh hiệu HS giỏi Toán cấp huyện, cấp tỉnh, rồi giải Năm toàn miền Bắc, Nguyễn Ngọc Ký được cả nước biết tên sau một bài báo, 2 lần nhận huy hiệu của Bác Hồ và được tuyển thẳng vào cấp 3.

Khi đang băn khoăn giữa lớp chuyên Văn và chuyên Toán, tôi bất ngờ nhận được thư của một bác tiến sĩ văn học Nga, cùng món quà - cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Thần tượng nhân vật Pavel Korchagin mù hai mắt vẫn trở thành nhà văn, tôi lao vào học Văn, tìm mua và đọc sách văn. Năm 1966, tôi được Đại học Tổng hợp Hà Nội gửi giấy mời nhập học ngành Ngữ văn.

Trong 4 năm học đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, ông vẫn miệt mài đèn sách. Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Vì thế, ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài học tập.

Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, nhan đề: “Những năm tháng không quên”.

Làm gì để biến ước mơ thành hiện thực

Nhằm gợi ý, tư vấn cho các bạn trẻ phương pháp để học tốt, có hiệu quả cao; biết cách học hết mình để sớm hiện thực hóa những ước mơ đẹp trong cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã dành nhiều thời gian nói chuyện với các em thanh thiếu niên, đồng thời thầy cũng đưa ra nhiều lời khuyên, lời dặn dò để giúp các em có thể thành công trên đường đời của mình. Đó chính là những kinh nghiệm mà thầy giáo Ký đã rút ra từ chính gần 70 năm cuộc sống của mình.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cho rằng: “Con đường thành công của con người luôn song hành với 8 chữ “luôn”: Luôn khát vọng, luôn đam mê, luôn chăm chỉ, luôn kiên nhẫn, luôn sáng tạo, luôn coi trọng chữ tự, (tự lập, tự trọng), luôn nền nếp chuẩn mực, luôn tận dụng thời gian, thời cơ và sự giúp đỡ từ mọi người, luôn biết lễ, biết điều, biết tôn trọng…

Song hành cùng 8 chữ “luôn” là 6 cặp chữ “M”, luôn vận dụng và sáng tạo, từ đó mà đem đến những thành công nhất định, vượt qua được nỗi đau của số phận như ông. 6 cặp chữ M mà ông nhắc tới đó là: Mơ mộng, miệt mài, mưu mẹo (ý là sự sáng tạo, kế sách hay, dùng trí tuệ), mạnh mẽ, mềm mại, và may mắn…”.

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn nhỏ đã đặt câu hỏi của mình cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký như: Thầy giáo không viết bằng tay được thì dạy học thế nào? Thầy Ký có bao giờ buồn? Bạn học sinh nào làm thầy vui nhất… đều được nhà giáo chia sẻ với các bạn nhỏ. 

Đặc biệt là những kỷ niệm về thời đi học, những khi bị ốm đau, bệnh tật và cách vượt qua khó khăn… đều được thầy giáo nhắc đến. Có thể khẳng định, sự xuất hiện của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã khơi dậy những khát khao, hoài bão đồng thời giúp các em tìm được lý tưởng sống của cuộc đời mình.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ