Thầy hiệu trưởng bỏ tiền túi giữ chân học trò

GD&TĐ - Thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Mạnh trích tiền túi và kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ để tổ chức bữa trưa giữ chân trò ở lớp.

Những bữa trưa chỉ là mì gói nhưng giúp học sinh no bụng, duy trì được tỉ lệ chuyên cần. Ảnh: Dung Nguyễn
Những bữa trưa chỉ là mì gói nhưng giúp học sinh no bụng, duy trì được tỉ lệ chuyên cần. Ảnh: Dung Nguyễn

Bữa trưa đong đầy tình thương

Đăk Môn là xã khó khăn của huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) khi kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống bà con còn cơ cực nên các cấp, chính quyền rất quan tâm về mặt tinh thần cũng như vật chất. Từ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, học sinh người Gié - Triêng cũng được đến trường học chữ.

Tuy nhiên, đầu năm học 2021 - 2022, học sinh trên địa bàn xã Đăk Môn không còn được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Kể từ đó, tỉ lệ chuyên cần giảm xuống đáng kể khi nhà trường triển khai dạy 2 buổi/ngày. Mặc dù thầy, cô giáo tích cực tuyên truyền, vận động để đưa các em ra lớp nhưng tình trạng học sinh vắng vẫn nhiều. Bởi nhiều em nhà xa nên sáng đến trường, trưa về nhà rồi chiều tiếp tục ra lớp là không thể.

Không muốn học sinh thất học, từ năm 2021 thầy Trần Ngọc Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Môn tự bỏ tiền túi tổ chức bữa trưa để giữ chân các em ở trường. Thời gian đầu, kinh phí còn hạn chế nên thầy Mạnh mua mì gói để nấu cho học sinh ăn trưa, rồi ở lại trường để chiều tiếp tục học chữ.

“Nhiều em nhà xa, cách trường từ 7 - 8 km nên không thể đi bộ về nhà ăn trưa rồi chiều quay trở lại lớp. Mong muốn duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học tập tôi trích tiền túi để mua mì gói nấu cho khoảng 50 học sinh ăn mỗi buổi trưa. Mặc dù chỉ là bữa ăn đạm bạc nhưng ít nhiều giúp các em được no bụng và đi học chuyên cần”, thầy Mạnh tâm sự.

Mong muốn bữa ăn của học sinh có thêm năng lượng, dưỡng chất, sau khi thống nhất với Ban giám hiệu nhà trường, thầy Mạnh đứng ra kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Biết được việc làm ý nghĩa của thầy, nhiều người thân, bạn bè và nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ để các em có bữa ăn dinh dưỡng hơn. Thay vì mì gói như thường lệ, bữa trưa của học sinh có thêm thịt, trứng, xúc xích… Với kinh phí thầy Mạnh huy động được, đến nay mỗi tháng nhà trường có 7 triệu đồng duy trì bữa trưa cho 100 - 140 học sinh.

Thầy Trần Ngọc Mạnh luôn quan tâm, chăm lo cho học trò. Ảnh: Dung Nguyễn

Thầy Trần Ngọc Mạnh luôn quan tâm, chăm lo cho học trò. Ảnh: Dung Nguyễn

Tấm gương tiêu biểu

Nhà cách trường 7km, trước kia mỗi ngày em Y Lê (học sinh lớp 9B, Trường THCS xã Đăk Môn) đến trường học rồi trưa về nhà. Quãng đường xa, đi bộ mỏi chân nên nhiều hôm Y Lê ngại không muốn ra lớp. Từ ngày được nhà trường hỗ trợ ăn trưa, Y Lê chẳng còn vắng học. “Em rất vui khi được nhà trường quan tâm, hỗ trợ bữa trưa. Được ăn trưa tại trường em không còn mệt khi phải đi bộ về nhà nữa. Em cảm ơn thầy, cô rất nhiều. Em hứa sẽ đi học chuyên cần”, Y Lê bộc bạch.

Còn Y Nhàn (học sinh lớp 9A, Trường THCS xã Đăk Môn) bố mất sớm, mẹ bị mù lòa. Hoàn cảnh éo le nên hai mẹ con chỉ có thể tá túc trong căn nhà nhỏ, xập xệ. Thương cho cuộc sống của gia đình, thầy Mạnh với sự đồng hành của Chương trình “Cùng em vượt khó” hỗ trợ cho gia đình em Y Nhàn số tiền hơn 35 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa và trang trải cuộc sống hằng ngày.

“Những ngày mùa Đông gió lùa vào nhà, em và mẹ lạnh lắm. Gia đình được thầy, cô và nhà trường giúp đỡ sửa sang lại nhà em biết ơn lắm. Em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng thầy cô và sau này chăm sóc mẹ”, Y Nhàn chia sẻ.

Không chỉ duy trì bữa trưa cho học trò, năm học 2023 - 2024 thầy Mạnh còn kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm… cho hơn 542 học sinh của trường với kinh phí trên 200 triệu đồng. Mong muốn học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn xã Đăk Môn có điều kiện học tập tốt hơn, thầy Mạnh chia sẻ cặp lồng cơm, sách vở, mì gói… giúp các em vững bước đến trường.

Ở huyện biên giới, thầy Mạnh không mong gì hơn là học sinh và gia đình nhận thức được sự cần thiết, quan trọng của việc đi học. Bởi chỉ có đến trường mới giúp các em có cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi đói nghèo đeo bám. Thầy Mạnh cũng hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các nhà hảo tâm đồng hành, giúp hành trình đến trường của học sinh bớt vất vả.

Bà Y Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết, thầy Trần Ngọc Mạnh có hơn 28 năm công tác trong ngành Giáo dục. Trong quá trình công tác thầy Mạnh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngoài công tác chuyên môn, thầy Mạnh luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho học sinh khó khăn. Nhờ sự tâm huyết, hết lòng vì học sinh thầy Mạnh đã duy trì được bữa ăn trưa cho hơn 100 em Trường THCS xã Đăk Môn. Việc làm này giúp tỉ lệ chuyên cần của nhà trường luôn ở mức cao, đạt trên 90%.

“Thầy Trần Ngọc Mạnh là một trong những tấm gương sáng, tiêu biểu để cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện Đăk Glei noi theo. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện biên giới”, bà Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xưởng may balo đẹp, cao cấp TPHCM