"Cây" sáng kiến hoạt động Đoàn
Là cựu HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rồi có cơ duyên quay trở lại nơi mình theo học để công tác, thầy giáo Lê Mạnh Tấn, giáo viên môn Sinh học đã để lại nhiều dấn ấn trong công tác chuyên môn và trong vai trò Bí thư Đoàn trường.
Thầy Tấn quan niệm: Điều quan trọng nhất của một Bí thư Đoàn là sự định hình về công tác tổ chức, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng về những điều mà thanh niên mong muốn từ tổ chức chính trị của tuổi trẻ. Có như vậy, mới có được những hoạt động và hình thức sinh hoạt phù hợp, phong phú để thu hút HS tham gia. Mỗi hoạt động Đoàn cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả.
“Tôi luôn hỏi học sinh 2 câu hỏi này: “Em có muốn tham gia hoạt động này không?”, “Em muốn hoạt động này diễn ra như thế nào? Chỉ khi nào tự nguyện và chủ động thì các em mới hứng thú tham gia” – thầy Tấn chia sẻ kinh nghiệm.
Trong mỗi phong trào, hoạt động do Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám tổ chức, vì vậy luôn thu hút HS tham gia và đều luôn “có lửa”.
“Các hình thức vận động tại trường hầu như không bằng tiền mặt. Một trong những khâu quan trọng của công tác vận động không bằng tiền mặt là phân loại, sắp xếp hàng hóa.
Với khối lượng quần áo, nhu yếu phẩm lên đến hàng ngàn loại và nhiều thành phần khác nhau, đòi hỏi phải có nhân lực để tham gia thu gom phân loại, sắp xếp, đóng gói và bảo quản. Các Câu lạc bộ đội – nhóm do Đoàn trường phụ trách là nguồn nhân lực chính, thực hiện tình nguyện và hiệu quả các công việc trên” – thầy Lê Mạnh Tấn ví dụ.
Từ những hoạt động thực tế, Bí thư Đoàn trường Lê Mạnh Tấn đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy phong trào Đoàn trường phát triển. Đơn cử như sáng kiến Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các CLB đội – nhóm HS trong nhà trường. Với việc tạo ra sân chơi đa dạng theo sở thích, sở trường, phát huy năng lực của mỗi HS, Trường THPT Hoàng Hoa Thám hiện duy trì ổn định 7 CLB và mỗi năm học đều có thêm từ 1-2 CLB thành lập mới theo nhu cầu, sở thích của HS.
Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian cho HS THPT trong năm học 2017 – 2018 được Hội đồng sáng kiến cấp thành phố công nhận.
Thầy Tấn đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát huy nguồn lực từ HS, cựu HS để phát triển các loại hình dân gian trong trường học phù hợp với sở thích của HS để thu hút các em tham gia.
“Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian cũng được mở rộng quy mô, tổ chức thành các Ngày hội giao lưu liên trường. HS sẽ tham gia các cuộc thi, hội thi về văn hóa dân gian đạt thành tích cao. Đây là một trong những điều kiện giúp HS hình thành và củng cố các kỹ năng xã hội, kỹ năng mềm; góp phần đẩy lùi các tệ nạn học đường hay việc HS tham gia chơi các trò chơi online vô bổ” – thầy Tấn cho biết.
Giáo viên 4.0
Trong công tác điều hành, thầy Tấn đã sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên – học sinh nhằm phát huy hiệu quả và hạn chế các thủ tục hành chính. Là giáo viên trẻ của trường, thầy Lê Mạnh Tấn luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Chủ động tìm tòi, nghiên cứu, những tiết dạy của thầy Tấn vì vậy luôn sinh động và cuốn hút nhờ ứng dụng hiệu quả CNTT trong việc soạn giảng, thí nghiệm minh họa và kiểm tra đánh giá. Sử dụng thường xuyên và hướng dẫn đồng nghiệp chấm trắc nghiệm bằng phần mềm trên các điện thoại thông minh đem lại hiệu quả tích cực.
Đảm nhiệm công tác bồi dưỡng HS giỏi môn Sinh học cho HS khối lớp 10 và 11 để tạo tiền đề dự thi HS giỏi lớp 12 cấp thành phố và bồi dưỡng HS tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp, với thầy Lê Mạnh Tấn, là sự tin tưởng của Hội đồng sư phạm nhà trường đối với một GV trẻ.
“Nguồn tài liệu để bồi dưỡng HS giỏi thì không thiếu, nhưng GV phải biết chắt lọc để phù hợp với từng HS theo hướng dạy học cá thể hóa. Trong giảng dạy, ngoài nhóm HS nằm trong đội tuyển, GV cũng phải biết cách để phát hiện những HS có tố chất vượt trội để không bỏ sót HS giỏi. Các bài kiểm tra “sàng lọc” đội tuyển vì vậy phải làm sao để HS hiện được khả năng tư duy, sáng tạo và mức độ vận dụng kiến thức vào thực tế”.
Một kinh nghiệm của thầy giáo trẻ Lê Mạnh Tấn trong bồi dưỡng HS giỏi là phải chia nhỏ mục tiêu để HS đỡ áp lực và GV tránh được tâm lý căng thẳng cũng như sự ôm đồm trong quá trình bồi dưỡng. Trong năm học 2020 - 2021, thầy Tấn có 2 HS đoạt giải Nhất, 1 HS đoạt giải Nhì, 4 HS đoạt giải Ba và 4 giải Khuyến khích cấp trường. Đối với cuộc thi Khoa học kỹ thuật, đoạt 1 giải cấp thành phố và giải Triển vọng cấp quốc gia.