Trong căn nhà 5 tầng của thầy Mai Văn Túc, bộ môn Vật Lý, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tràn ngập đồ cũ được bày biện từ phòng khách đến phòng ngủ. Đó là công sức hơn 30 năm thầy đi khắp nơi sưu tầm những món đồ gắn liền với một thời khốn khó.
Khi còn là sinh viên chuyên ngành vật lý - vô tuyến điện, thầy Túc bắt đầu tìm kiếm đồ vật mang trong mình “dáng hình vật lý” như: đồng hồ cổ, điện thoại cổ, đài cassette, máy nghe nhạc đĩa than… Nhờ khả năng sửa chữa, cải tiến thiết bị điện tử, thầy tích cóp tiền mua những món đồ ưng ý.
“Hầu hết món đồ khi mua về đã bị hư, mình vận dụng kiến thức, bỏ công sức tìm linh kiện chính hãng để khôi phục như nguyên gốc. Mỗi cỗ máy dù lớn hay nhỏ cũng như một cơ thể sống. Làm nó hoạt động trở lại sau thời gian dài mắc bệnh và bị bỏ rơi đối với mình như cứu được một con người”, thầy Túc chia sẻ.
Hiện thầy Túc sở hữu trên 1.000 món đồ, chủ yếu là máy nghe nhạc, đài, đồng hồ, điện thoại... Nhiều và giá trị nhất là bộ máy nghe nhạc đĩa than và đài cassette cổ chạy hoàn toàn bằng cơ học. Có chiếc máy nghe nhạc hơn 100 tuổi được thầy mua ở nước ngoài. Tổng giá trị bộ sưu tập khoảng 2 tỷ đồng.
Đam mê với bộ sưu tập, song thầy giáo sinh năm 1964 luôn trăn trở việc giáo dục Việt Nam quá nặng lý thuyết mà thiếu đi thực hành, hệ quả là tạo ra những thế hệ học sinh không hoàn thiện. “18 năm đứng trên bục giảng, mình chứng kiến nhiều em luôn được điểm cao, nhưng do thiếu thực tiễn nên khi đi làm gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội. Có em vì không hiểu đúng về bộ tụ ghép nối tiếp học ở phổ thông, khi thay thế dẫn đến cháy nổ mù cả hai mắt”, thầy Túc kể.
Thầy giáo cũng cho rằng xét về sự thông minh, người Việt không thua kém các quốc gia khác, thậm trí nhiều điểm vượt trội. Nhưng cách giáo dục hiện nay đã đánh mất nguồn "tài nguyên" ấy. Vì thế, thầy ấp ủ ước mơ sau khi học lý thuyết vật lý, học sinh phải được thực hành để hiểu rõ bản chất vấn đề, có kỹ năng làm việc thực tế. Các em biết vận dụng những gì học được để làm việc tốt và cao hơn là sáng tạo ra máy móc hữu ích phục vụ cuộc sống.
Năm 2015, thầy Túc cùng một số thầy cô có chung niềm trăn trở mở phòng thực hành vật lý cho học sinh. Các em từ lớp 6 đến 12 có thể đến phòng thí nghiệm của thầy bất cứ lúc nào để thực hành kiến thức được học trên giảng đường. Số lượng học sinh đến ngày càng nhiều, song phòng thực hành nhỏ, trang thiết bị thô sơ, không thể đáp ứng được. Thầy Túc lại tìm cách mở thêm phòng thực nghiệm.
Mỗi phòng thực hành giá khoảng 2 tỷ đồng nếu sử dụng thiết bị nội địa; khoảng 5 tỷ đồng nếu thiết bị nhập ngoại. “Những trang thiết bị phục vụ thực nghiệm môn vật lý rất tốn kém, nếu sử dụng đồ trong nước thì sai số lớn, còn sử dụng đồ nước ngoài thì nằm ngoài khả năng của mình”, thầy giải thích.
Bán hai chiếc ôtô mua sắm thiết bị nhưng vẫn chưa đủ, thầy Túc tiếp tục rao bán bộ sưu tập tâm huyết hơn 30 năm. "Nếu như bán xong bộ sưu tập mà vẫn không đủ tiền, mình đang tính bán nốt ngôi nhà đang sinh sống”, thầy giáo chia sẻ.
Học sinh thực hành vật lý tại phòng thực nghiệm của thầy Túc và cộng sự. Ảnh:Gia Chính. |
Là cựu sinh THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Nguyễn Huyền Trang từng được học thầy Túc. "Thầy Túc rất yêu nghề, không tiếc của cải đầu tư cho giáo dục. Mặc dù học chuyên Sinh nhưng yêu thích môn Vật lý nên mình thường đến phòng thực nghiệm”, Trang chia sẻ.
Hiểu được mong muốn của người thầy tận tâm, nhiều phụ huynh sau khi mua đồ cũ của thầy đã tặng lại phòng thực nghiệm để học sinh học tập.