Thầy giáo người H’mông vượt núi cao hiểm trở vận động HS tới trường

GD&TĐ - Thái Nguyên, một tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, còn nhiều địa phương miền núi khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là giáo dục.

Thầy giáo người H’mông vượt núi cao hiểm trở vận động HS tới trường

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 30km về phía Bắc, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ là một địa phương nghèo thuộc diện 135 của tỉnh Thái Nguyên, có 6 xóm (Lân Quang, Làng Giếng, Hồng Phong, Tân Long, Đồng Luông, Đồng Mây) với cộng đồng dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số phân bố khá thưa thớt, địa hình bị chia cắt bởi núi đồi với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp.

Trong điều kiện địa phương khó khăn như vậy, ngôi trường vùng cao PTDTBT THCS Tân Long có tổng số 311 học sinh, trong đó có 267 em là người dân tộc thiểu số. 199 em học sinh thuộc hộ nghèo, 83 em thuộc gia đình cận nghèo và chỉ 28 em thuộc gia đình kinh tế khá.

Như một vòng luẩn quẩn, đi học hi vọng thoát nghèo nhưng đến trường không ai giúp bố mẹ trồng lúa, ngô, lương thực thì lại đói. Đó là lí do chủ yếu khiến cho không ít phụ huynh và học sinh không muốn cho con em mình đi học.

Đây chính là thử thách lớn đối với tập thể cán bộ trường, khi mà vừa phải đảm bảo công tác giảng dạy vừa phải thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống, ăn uống, ngủ nghỉ của các em học sinh trong địa phương và đặc biệt là phải thực hiện công tác đảm bảo sĩ số vận động các em học sinh đến trường vào đầu mỗi năm học, làm công tác tư tưởng để các em không bỏ học sau khi nghỉ hè chuẩn bị vào năm học mới.

Thầy giáo Trần Văn Hồng, một giáo viên trẻ của trường PTDTBT Tân Long. Sinh ra và lớn lên cùng cái cây ngọn cỏ tại chính mảnh đất này.

Với sự mộc mạc, chân chất của người H’mông, thầy Hồng chia sẻ câu chuyện thời niên thiếu, gia đình không có điều kiện kinh tế nên phải bươn trải từ bé bằng nghề săn bắn, có những thời điểm, chỉ với cây súng kíp, chiếc bật lửa và một số đồ dùng trong tay, thầy đã từng lang thang cả tháng trời trong rừng già, uống nước suối, ăn thịt thú săn được và tìm hang hốc để nghỉ ngơi trong những cuộc hành trình săn bắn dài ngày.

Nhờ cha mẹ sớm nhìn ra được cơ hội từ con đường học hành nên đã động viên anh đi học. Kết quả là từ một thợ săn quanh năm gắn bó với rừng già nay thầy đã trờ thành một giáo viên hàng ngày truyền thụ kiến thức cho các em học sinh.

Khi mà cái đói, nghèo vẫn còn đéo bám dai dẳng thì nguy cơ các em học sinh bỏ học vẫn luôn hiện hữu, khi ấy các thầy cô giáo miền núi lại phải tìm đến từng nhà vận động phụ huynh và các em quay lại trường lớp.

Thầy Hồng là một giáo viên trẻ người dân tộc, lại sinh ra và lớn lên ở ngay tại địa phương, thông thạo địa hình và ngôn ngữ nên thầy là một trong những người thích hợp, thường xuyên được cử theo đoàn các giáo viên đi vận động học sinh tới trường.

Thầy chia sẻ: “Đường đi thì không quá xa, chỉ vài km nhưng cái khó là ở sự hiểm trở. Có những con dốc ở Mỏ Ba cao vút nhìn đã sợ chứ đừng nói là lái xe lên, ngày nắng thì nó bụi mà mưa thì nhão lầy, đường trơn nên phải chống gậy mà leo, đi bộ còn khó chứ đừng nói đến chuyện lái xe máy”. Có lúc đến được nhà học sinh rồi nhưng bố mẹ cũng không cho đi học mà bản thân một số em cũng chẳng muốn đi học.

Thầy Hồng tâm sự, nhiều khi đi lại vất vả mà học sinh không muốn đến trường cũng thấy nản nhưng nghĩ vì thương và mong muốn cho các học tập tốt để có cơ hội đổi đời mà phải cố gắng vận động thuyết phục các em.

Đối với thầy Hồng, và tập thể cán bộ trường THCS Tân Long, việc được nhìn thấy các em học sinh chăm ngoan cắp sách đến trường chính là niềm vui, nguồn động lực để cố gắng cắm bản dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.