Lúc tôi về trường, vẫn còn một số thầy cô đã từng dạy tôi thuở nhỏ, trong đó có cô Nguyễn Thị Yến, dạy tôi năm lớp Bốn.
Năm ấy, tôi đến nhận nhiệm sở muộn hơn ngày nhập học mấy tháng, trường lớp đâu đấy đã ổn định cả rồi. Chỉ có lớp bốn 7 và cũng là lớp Bốn cuối cùng còn thiếu giáo viên, các thầy cô trong khối lớp Bốn đang luân phiên nhau dạy thay.
Tôi về, Ban giám hiệu liền phân công tôi dạy lớp này. Tôi nghĩ, con số 7 cũng như bao nhiêu con số khác, chỉ nhằm mục đích phân biệt các lớp mà thôi. Nhưng không! Khi tôi hiểu ra, mới biết lớp cuối cùng đúng là “con vịt đẹt” và không được ai chăm sóc từ đầu nên càng… đẹt hơn!
Dãy lầu trường tôi có bảy phòng. Đầu dãy, sát cầu thang là lớp Bốn 1; lần lượt đến phòng cuối cùng là lớp Bốn 7 của tôi. Như vậy, mỗi ngày tôi phải lên xuống cầu thang mấy bận và đi xa nhất trong các lớp Bốn.
Đi xa một chút cũng không sao, có điều lớp cuối này nằm cạnh nhà vệ sinh, học sinh ra vào thường xuyên, bao cặp mắt của cô trò chúng tôi phải liếc nhìn ra ngoài hoài, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập rất nhiều. Khó chịu nhất là mùi hôi thối thỉnh thoảng xông vào, khiến cả lớp phải bịt mũi che miệng!
Điều khác biệt quan trọng là những lớp Bốn khác, học sinh đều từ những lớp Ba của trường chính lên. Riêng lớp Bốn 7 của tôi lại là lớp được sáp nhập từ hai lớp Ba ở hai trường ấp mới chuyển về. Đa số học sinh các trường ấp vì nhiều lý do khác nhau, thường yếu hơn học sinh ở trường chính. Do đó mặc dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng kết quả học tập của lớp cuối năm vẫn không cao.
Ngày tổng kết năm học năm ấy tôi ngồi buồn so. Các thầy cô dạy các lớp Bốn khác đều đạt nhiều chỉ tiêu do trường quy định và được nhà trường khen thưởng. Lớp Bốn 7 của tôi tỉ lệ học sinh khá - giỏi không cao, tỉ lệ học sinh yếu - kém lại quá nhiều, nên cả cô và trò chúng tôi đều không có được một tấm giấy khen nào!
Ngồi trên hàng ghế danh dự nhà trường dành cho giáo viên, đối diện với học sinh và phụ huynh, tôi cố thu mình thật nhỏ, thỉnh thoảng gục đầu xuống đất để tránh những ánh mắt của phụ huynh học sinh lớp tôi, mà tôi nghĩ rằng họ đang trách móc mình. Vừa dứt buổi lễ, tôi bước nhanh về phòng giáo viên, gục đầu xuống bàn, để mặc cho hai dòng nước mắt tuôn rơi. Cô Yến âm thầm đến bên tôi, ôm vai tôi thủ thỉ:
- Đừng buồn nữa An ơi! Việc khen thưởng không quan trọng lắm đâu. Trước kia, cô cũng đã từng gặp hoàn cảnh như em. Làm sao Ban giám hiệu có thể khen thưởng được khi mình chưa đạt những yêu cầu nhà trường đã quy định phải không em? Em nên thông cảm cho Ban giám hiệu. Em đã cố gắng hết sức mình, hầu hết giáo viên của trường và học sinh lớp em đều biết. Như vậy là đủ rồi.
Tôi rơm rớm nước mắt trả lời cô:
- Nhưng mà em sợ có nhiều phụ huynh và học sinh không hiểu sẽ chê em dạy dở và thiếu trách nhiệm!
Cô Yến cố an ủi tôi:
- Không, không đâu An ơi. Rồi mọi người sẽ hiểu.
Sở dĩ tôi nói lên điều này vì khi còn là học sinh, tôi đã từng suy nghĩ như vậy. Hễ thầy cô nào được nhà trường khen thưởng thì phải giỏi hơn những thầy cô không được khen thưởng.
Tôi và có lẽ cả xã hội cũng vậy, thường đánh giá năng lực của một ai đó qua những tấm giấy khen và những tấm huy chương mà họ lãnh. Ai được khen thưởng ở cấp càng cao thì người đó càng giỏi hơn.
Tôi cũng đã rất ngưỡng mộ những thầy cô được khen thưởng và càng ngưỡng mộ nhiều hơn khi thấy thầy cô nào đó được khen thưởng ở cấp cao hơn. Cho nên, tuy không nói ra miệng nhưng tôi cũng ngầm không mấy kính nể những thầy cô không được khen thưởng gì; mà một trong những người tôi xem thường đó lại là cô Yến của tôi.
Đúng vậy, hồi đó mấy năm liền biết cô Yến, tôi chưa bao giờ thấy cô được khen thưởng lần nào; ngay cả năm cô dạy lớp Bốn của tôi cũng vậy.
Tôi còn nhớ rất rõ, hồi đó các cô giáo khác phần nhiều còn rất trẻ. Họ thường chưng diện quần áo xinh đẹp, năm nào cũng vậy, họ thường cười tươi như hoa bước lên sân lễ lãnh giấy khen và phần thưởng trong những tràng pháo tay vang dội của mọi người.
Cô Yến của tôi thì ngược lại, mấy năm liền cô không hề được nhà trường khen thưởng lần nào. Hơn nữa, hình ảnh ngày ngày cô mặc chiếc áo dài trắng hơi cũ ôm tấm thân gầy guộc, gương mặt lúc nào cũng buồn buồn có vẻ cam chịu, khiến cô càng thấp kém hơn bao thầy cô khác trong cặp mắt khờ dại, non trẻ của tôi…
Tôi chợt nhớ, hồi đó lớp Bốn mà cô Yến dạy tôi cũng là lớp Bốn cuối cùng, là lớp Bốn “bét” trong khối lớp Bốn. Tôi cũng là một trong những học sinh từ các trường ấp chuyển về trường chính như đa số học sinh của tôi bây giờ. Năm ấy chúng tôi như những chú nai tơ lần đầu tiên lạc loài ra phố. Chúng tôi đứng lớ ngớ trong sân trường chờ thầy cô phân lớp.
Biết chúng tôi học lực yếu kém, nhiều thầy cô đùn đẩy không chịu nhận. Các bạn khác đã được thầy cô đón vào lớp, chỉ còn lại năm sáu bạn, trong đó có tôi, quần áo đứa nào cũng lem luốc, mặt mũi tối mò.
Chúng tôi đã đưa mắt lo lắng nhìn các thầy cô, nửa cầu khẩn, nửa van lơn và chỉ chực khóc nhưng các thầy cô vẫn không động lòng! Cuối cùng cô Yến tuyên bố:
- Nếu thầy cô không nhận các em này thì cứ cho hết vào lớp tôi vậy.
Chúng tôi vui mừng vô kể. Cô Yến đến xoa đầu và dẫn chúng tôi vào lớp…
Chính vì thành phần học sinh hỗn tạp như thế, học lực lớp chúng tôi không đồng đều, trong đó có nhiều bạn quá kém. Cô Yến đã tận tâm kèm cặp đám học trò yếu kém chúng tôi, nhưng đối với nhiều phụ huynh học sinh, công lao ấy bị mờ nhạt và hạ thấp dần khi cuối năm ấy, bạn bè tôi ở lại lớp khá nhiều. Nhiều phụ huynh còn lớn tiếng phiền trách cô Yến thậm tệ.
Hôm ấy, nỗi đau của tôi làm tôi nhớ và thấu hiểu hoàn cảnh của cô Yến mười năm trước. Cô đã tự nguyện hi sinh, cam chịu thiệt thòi khi nhận những học sinh yếu kém như chúng tôi mà hồi nhỏ chúng tôi lại nông cạn, không những không biết ơn cô mà còn rẻ rúng khinh thường.
Thậm chí những tháng ngày đầu về dạy ở trường này tôi cũng không mấy mặn mà với cô. Nếu hồi đó cô Yến không mở lòng đón nhận chúng tôi và nhất là không ra công kèm cặp chúng tôi thì bây giờ chúng tôi sẽ ra sao?
Tôi chợt hối hận và thương cô Yến vô hạn. Tôi không khóc nữa và vội đứng lên ôm chặt cô thì thầm: “Cô ơi, hãy tha lỗi cho em, bây giờ em mới hiểu”.
Nước mắt tôi lại ươn ướt trên bờ vai cô giáo cũ…