Khắc phục khó khăn
Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực hiện là GV Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Thầy Trực cũng là GV đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác xóa mù chữ cho học sinh vùng cao.
Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Trực, xóa mù chữ (XMC) là bước khởi đầu cho việc nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân nhằm đưa đất nước đi lên theo kịp với sự phát triển của các nước tiến bộ khác trên thế giới.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác xóa mù chữ, nhiều địa phương đã và đang tổ chức dạy học xóa mù chữ ở những vùng sâu vùng xa, vùng có người dân tộc thiểu số đang sinh sống. Nơi đây có nhiều người dân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ do điều kiện kinh tế khó khăn, ít giao tiếp, đời sống văn hoá tinh thần nghèo nàn, lạc hậu.
Học viên tham gia lớp xóa mù chữ tại xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). |
Tuy vậy, để huy động và duy trì được số người không biết chữ hoặc tái mù chữ tham gia học xóa mù chữ (XMC) là việc làm không hề dễ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa là một xã đặc biệt khó khăn, nằm ở phía tây tỉnh Quảng Trị có biên giới giáp nước bạn Lào, cách trung tâm huyện lỵ hơn 50 km, cách trung tâm hành chính tỉnh hơn 150km và là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô với dân số 4.441 người, ngoài ra còn có một bộ phận người Lào di cư tự do hoặc kết hôn có yếu tố nước ngoài sinh sống.
Thực hiện kế hoạch số triển khai mở lớp XMC năm 2023 của huyện Hướng Hóa, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC xã Ba Tầng xây dựng kế hoạch mở lớp XMC năm 2023. Mỗi lớp với khoảng 20 người, 100% là người dân tộc thiểu số (DTTS) tái mù chữ, trong đó độ tuổi từ 15-60. Theo đó, lớp ở thôn Loa có 48 học viên, trong đó, chị em 50 tuổi có 5 học viên, 5 học viên trên 60 tuổi, còn lại từ 30 đến 40 tuổi. Còn lớp học ghép 2 thôn Măng Sông và thôn Vầng có 46 học viên. “Thầy, cô” đứng lớp là cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị, là cán bộ phụ nữ xã, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng.
Theo thầy giáo Trực, bản thân là giáo viên công tác lâu năm tại điểm trường có mở lớp XMC nên nắm được hoàn cảnh gia đình của từng học viên và phong tục tập quán của địa phương.
Đến tận bản động viên người dân tham gia lớp xóa mù chữ. |
Tuy nhiên bên cạnh đó, khó khăn nhất để ổn định dạy học vẫn là duy trì sĩ số lớp học. Một phần nhận thức của người dân về việc học còn hạn chế, một số người dân còn nặng phong tục tập quán nhất là các học viên nữ; học viên là lao động chính chỉ có thời gian học buổi tối hay khó khăn trong giao tiếp với không sõi tiếng phổ thông…
Mặt khác, nhà ở xa điểm mở lớp học và thời gian học vào ban đêm nên nhiều người có cảm giác sợ khi đi đường.
“Bản thân tôi được phân công nhiệm vụ chủ nhiệm lớp và giảng dạy trực tiếp, đây là niềm vui, là vinh dự khi được Ban Chỉ đạo XMC tin tưởng giao phó. Khi nhận lớp bản thân tôi đã cố gắng tận dụng thuận lợi, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thầy Trực chia sẻ.
Bí quyết duy trì sĩ số lớp học xóa mù chữ
Theo thầy giáo Trực một trong những bí quyết đầu tiên đó chính là giúp học viên xác định, hình thành động cơ học tập.
Ngay sau khi có kế hoạch mở lớp, bản thân các giáo viên đã chủ động gặp trực tiếp các học viên không biết bao nhiêu lần. Qua đó, động viên, trao đổi để họ có mong muốn đi học, chỉ rõ những khó khăn nhất định khi không biết chữ như không biết giá cả, không đọc được tin nhắn người thân…
Bộ đội biên phòng Quảng Trị dạy xóa mù chữ cho người đồng bào dân tộc. |
“Đây là giải pháp hết sức quan trọng, nó giúp cho người học nhận thức được mục đích của việc học tập đó là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”, thầy Trực nói.
Thứ hai, làm tốt công tác dân vận. Đây là giải pháp mang tính quyết định đến huy động số lượng. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này thì giáo viên phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình học viên từ bố mẹ, chồng con và công việc của mỗi người trong gia đình. Việc làm này không phải lần một, lần hai là được mà phải kiên trì, linh hoạt trong cách nói chuyện tạo sự gần gũi với các thành viên trong gia đình. Từ đó mọi thành viên trong gia đình ủng hộ, tạo điều kiện, mỗi thành viên biết chia sẻ công việc gia đình, sắp xếp thời gian công việc hợp lí, chăm sóc giữ con nhỏ cho con, chồng/vợ tham gia học tập.
Thứ ba, làm tốt công tác phối kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Trong một số trường hợp làm công tác tuyên truyền vận động gặp khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương hay gia đình, học viên còn chưa ủng hộ thì cần kết hợp với bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chi hội phụ nữ, Đồn Biên phòng trong công tác tuyên truyền vận động đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân.
GV động viên "học sinh" bằng các phần quà và nhiều cách thức khác nhau. |
Thứ tư, phải kết nối tạo sự phấn khởi cho người học. Huy động được số lượng đã khó duy trì số lượng lại càng khó hơn. Để động viên, giúp đỡ học viên tạo thêm niềm vui khi đi học lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Hướng Hóa đã nhiều lần đến thăm lớp và trao những phần quà động viên kịp thời cho học viên. Niềm vui lan tỏa ra ngoài lớp học có hôm số lượng tăng hơn với danh sách, đấy là những người tự nguyện đi học cho biết, vì nghe kể đi học vui.
Thứ năm, làm tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy. “Đây là giải pháp then chốt trong nhiệm vụ duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng XMC. Khi đã huy động được số lượng thì việc tổ chức dạy học trên lớp của giáo viên có vai trò hết sức quan trọng để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng. Trước hết giáo viên nắm bắt tâm lý học viên là chóng mệt mỏi do cả ngày lao động vất vả, mau chán nản khi gặp khó khăn đọc, viết và chưa quen khi ngồi một chỗ để học”, thầy Trực cho hay.
Giáo viên cũng cần tạo không khí vui vẻ, thân thiện, kiên trì, làm cho mọi học viên thấy tự tin và ham thích học tập. Ngoài ra, sự đa dạng hóa hình thức tổ chức, linh hoạt sử dụng phương pháp dạy học sẽ tạo hứng thú cho học viên trong tiếp nhận kiến thức. Bên cạnh đó, thường xuyên khen ngợi, động viên, tuyên dương sẽ cổ vũ tinh thần cho các học viên tự tin hơn.
Từ những giải pháp trên lớp XMC Măng Sông (một điểm trường thuộc thôn Măng Sông, xã Ba Tầng) luôn huy động và duy trì được sĩ số. Nhờ đó mà chất lượng lớp học cuối kì đạt được theo kế hoạch đề ra, cụ thể: môn Tiếng Việt có 25% học viên hoàn thành tốt, 75% hoàn thành; môn Toán 15% hoàn thành tốt, 85% hoàn thành…