Vụ việc ông Nguyễn Văn Chính, 55 tuổi - giáo viên dạy Toán tại Trường THPT Sóc Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), bị tố cáo khiến học sinh có bầu và đưa em này đi phá thai đang được Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý kiên quyết. Sự việc xảy ra từ năm 2018, khi học sinh này mới 16 tuổi và ông Chính khẳng định, em học sinh này tự nguyện “yêu” thầy.
Trên mạng xã hội cũng lan truyền lá đơn “tự nguyện yêu thầy” được cho là của chính nữ sinh này viết cùng hàng loạt tấm ảnh nhạy cảm thể hiện tình yêu của thầy giáo và học trò. Lá đơn có đoạn viết: “Tôi đã hứa yêu thầy không bao giờ tôi hối hận trong khi biết thầy đã có vợ con. Tôi đã nói rằng đến với thầy tôi không cần danh phận, không cần giàu sang, chỉ cần sống yên bình bên thầy. Tôi hứa sẽ yêu thầy suốt đời, sinh cho thầy đứa con trai. Khi học xong 12 sẽ toàn tâm toàn ý lo cho thầy…”.
Có nhiều ý kiến chỉ trích, phê phán mối quan hệ này, cho rằng người thầy suy đồi và học sinh đó cũng không có tự trọng khi ông Chính thản nhiên thừa nhận có quan hệ tình dục nhiều lần, đưa nữ sinh đi phá thai, sau khi phá thai tiếp tục quan hệ tình dục cùng nhau và lý do là học sinh đó nhắn tin nói chuyện, rủ rê trước.
Trong số những ý kiến chê bai, lên án mối quan hệ thầy trò vượt qua đạo lý này, có không ít nhận định cho rằng nữ sinh đó bị sai lệch về tâm lý. Chị Hoàng Thùy (quận 2, TPHCM) nhận xét: “Cô bé đó bằng tuổi con gái tôi và tôi thật sự giật mình khi đọc thông tin này. Tôi không biết cô bé đó sống trong gia đình như thế nào, nhưng từ con tôi và các bạn của con tôi nhận thấy, lứa tuổi này các con rất dễ bị rung động.
Có khi chỉ một câu nói, một cử chỉ quan tâm xíu thôi cũng khiến các con mơ mộng và nghĩ đó là tình yêu. Tôi không biết cụ thể câu chuyện của cô bé đó nhưng tôi nghĩ, có thể ba mẹ học sinh đó nghĩ con đã lớn nên không quan tâm đến tâm sinh lý của con. Người thầy kia đã quá từng trải, quá hiểu cách để lấy được cảm tình của một bé gái chỉ đáng tuổi con mình. Lỗi của người thầy là hiển nhiên không thể phủ nhận. Ngoài việc trách cô bé đó mù quáng nghĩ đó là tình yêu của cả đời mình dẫn đến tự nguyện hiến thân cho thầy thì cũng nên hỏi lại ba mẹ, thầy cô của cô bé đó đã dạy gì cho em về tình yêu và tình dục hay chưa?”.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết, học sinh yêu thầy giáo hay thầy giáo yêu học sinh không phải chuyện hiếm bởi đó là những rung động khác giới. Trẻ bước vào tuổi dậy thì, có những biến đổi sinh lý cơ thể là đã có những tình cảm với người khác giới. Trường hợp nữ sinh Kiên Giang “tự nguyện” yêu thầy này không phải trường hợp cá biệt, bởi tâm lý dậy thì của lứa tuổi này rất phức tạp, nghĩ mình đang yêu là yêu hết mình và bất chấp. Hiểu biết còn giới hạn nên không hình dung được hậu quả của việc mình đã làm. Tuy nhiên, cần phân định rõ ranh giới của yêu đương và đạo đức.
Tình yêu không có lỗi, nhưng yêu bất chấp đạo lý, quan hệ tình dục bất chấp việc đó là thầy giáo đã có gia đình là điều hoàn toàn sai, và phải có người dạy cho nữ sinh đó biết đâu là giới hạn của tình yêu và đạo đức cũng như pháp luật. Tình yêu phải đi kèm với trách nhiệm. Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm của nữ sinh đó chỉ là một phần vì em vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên, trách nhiệm lớn hơn đó chính là từ gia đình và nhà trường trong việc dạy dỗ các em. Nhà trường và gia đình đã không dạy các em rằng các em có quyền trong cảm xúc yêu đương nhưng phải có ý thức đạo đức về việc gì được làm, việc gì không được làm, việc gì là vi phạm pháp luật.