Thấy gì qua vụ giải cứu ngoạn mục ở Thái Lan?

GD&TĐ - Những đứa trẻ của một đội bóng nhí Thái Lan bị kẹt trong một chiếc hang do nước lên được cứu đã khiến cả thế giới thở phào nhẹ nhõm. Vụ giải cứu ngoạn mục này đã để lại nhiều bài học. Mọi người khâm phục tinh thần ngoan cường của đám trẻ, sự tỉnh táo của huấn luyện viên cùng nhiệt tâm của toán cứu hộ.

Những đứa trẻ vẫn bình tĩnh sau nhiều ngày bị kẹt trong hang
Những đứa trẻ vẫn bình tĩnh sau nhiều ngày bị kẹt trong hang

Các yếu tố góp vào sự thành công

Mười hai cầu thủ nhí được cứu sau khi chúng và huấn luyện viên bị kẹt trong một chiếc hang bị ngập. Chúng được toán cứu nạn cung cấp ánh sáng, thực phẩm và thư từ. Báo cáo cho biết bọn trẻ (và cả huấn luyện viên) được cho uống một loại thuốc an thần để toán cấp cứu có thể đưa ra ngoài trong đêm tối, đường hầm hẹp dưới nước mà không hoảng loạn, dễ nguy hiểm đến tính mạng. Người nhái Hải quân Thái giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn cấp cứu cuối cùng hiếm có này.

Người nhái Hải quân Chaiyananta Peeranarong nói với hãng tin AFP: “Sau khi uống thuốc an thần, một số em ngủ mê mệt, một số nhúc nhích ngón tay, một số ngáy nhưng tất cả đều còn thở. Công việc của chúng tôi là phải chuyển các em đến nơi an toàn”. Mỗi đứa trẻ được một hay hai thợ lặn phụ trách, được cột trên cáng đưa đến nơi khô ráo và an toàn.

Trước đó, lãnh đạo người nhái Hải quân Thái hy vọng màn cấp cứu ngoạn mục sẽ trở thành lịch sử của hoạt động cấp cứu. “Thật tâm mà nói chúng tôi rất ít hy vọng sẽ cứu được bọn trẻ nhưng vẫn phải làm vì trách nhiệm. May mắn, tất cả vẫn còn sống. Qua ca cấp cứu này, chúng ta thấy, ngay cả khi còn rất ít hy vọng, chúng ta vẫn có thể thành công, nếu có quyết tâm” - Chuẩn đô đốc hải quân Arpakorn Yuukongkaew nói.

Hang động nằm sâu từ 800m - 1km trong lòng đất
Hang động nằm sâu từ 800m - 1km trong lòng đất
Toán cứu hộ làm việc cật lực
Toán cứu hộ làm việc cật lực

Sau khi lên phương án khả thi nhất và chuẩn bị kỹ lưỡng, đội biệt kích phải mất 3 ngày mới đưa được toàn bộ số người bị nạn ra khỏi hang. Ngày đầu cứu 4 em, ngày thứ hai thêm 4 em, ngày cuối cùng 4 em nữa và huấn luyện viên.

Cả đội trải qua 9 ngày không có nước tự nhiên trước khi phát hiện ra nước chảy từ vách đá trong hang. Bọn trẻ mất trung bình 2 kg thể trạng trong suốt giai đoạn thử thách nhưng tình trạng sức khoẻ nói chung là tốt, dù vẫn phải nằm viện tại thành phố lân cận Chiang Rai trong một tuần để phục hồi sức khoẻ trước khi về an dưỡng tại gia đình.

Ngay đợt cấp cứu đầu tiên, gia đình 4 đứa trẻ được quyền thăm viếng chúng. Mỗi lần một đứa trẻ được đưa ra khỏi hang lại có tiếng reo hò của hàng chục thợ lặn và các nhân viên cứu hộ. Tại Bệnh viện Chiang Rai, nhiều người đứng ngoài cửa reo hò mỗi khi có một đứa trẻ được đưa đến đó. Trên các mạng xã hội, nhiều người Thái chia sẻ niềm vui và sự xúc động với những tài khoản dành riêng như Heroes và Thankyou. Họ ghi ơn những người cấp cứu. Nhiều câu lạc bộ bóng đá quốc tế nổi tiếng như Manchester United và Benfica cũng chia sẻ niềm vui.

Phải mất 9 ngày các thợ lặn người Anh mới định vị chính xác nơi ẩn náu của bọn trẻ trên những điểm cao trong hang tối và lạnh. Lo lắng xảy ra khi các chuyên viên hang động khẳng định việc cứu được bọn trẻ ra khỏi hang không hề đơn giản, nhất là khi chúng không biết bơi và thể lực suy yếu dần.

Việc đi vào điểm tập kết để đưa thực phẩm và những thứ cần thiết cho bọn trẻ cũng hết sức khó khăn, ngay cả đối với các thợ lặn có kinh nghiệm. Toán cứu hộ phải vừa bơi, vừa leo, vừa đi bộ vừa lặn với chiếc dây thừng định hướng buộc quanh người mà nếu không may chúng có thể bị đứt dễ dàng.

Bị kẹt trong hang suốt 17 ngày mà toàn bộ đều được cứu ra an toàn trong tình hình không có tổn thương nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần, khi những nạn nhân còn trẻ cũng là một phép lạ. “Một cầu thủ được mừng sinh nhật ngay trong hang, bánh snack được mang vào để giúp các em duy trì sức khoẻ. Thức ăn đều dễ tiêu, nhiều năng lượng, giàu vitamin, khoáng chất dưới sự giám sát của một bác sĩ. Tuy nhiên, trái với dự đoán, các em đối phó rất tốt với áp lực tinh thần. Ánh sáng và thư từ gia đình được chuyển vào cũng giúp các em ổn định tinh thần” - Chuẩn đô đốc Arpakorn Yuukongkaew nói.

Chính huấn luyện viên Ekapol Chantawong đã dạy các em cách thiền định để đối phó với stress, nhờ anh được học thiền 10 năm từ một nhà sư Phật giáo trước khi trở thành huấn luyện viên. Cầu thủ đội trưởng Duganpet Promtep, 13 tuổi rất được đội bóng tôn trọng vì khả năng dàn xếp của em khi xảy ra xung đột.

Cậu tham gia nhiều câu lạc bộ hướng đạo chuyên nghiệp. Adul Sam-on 14 tuổi sinh tại Myanmar nói được nhiều thứ tiếng và là thành viên duy nhất trong đội bóng có thể nói chuyện với các thợ lặn người Anh khi đội bóng được phát hiện.

Peerapat Sompiangjai 17 tuổi rất hạnh phúc khi được mừng sinh nhật trong hang, dù chỉ đơn giản bằng snack và những lời chúc mừng từ bên trong và bên ngoài hang. Huấn luyện viên Ekapol Chantawong, 25 là người có sức khoẻ yếu nhất trong các nạn nhân khi được đưa ra ngoài vì anh không chịu ăn gì cả mà nhường cho bọn trẻ.

 

“Người hùng” đến từ nước Úc

Cũng đáng ghi nhận là một bác sĩ người Úc quyết định ở lại với bọn trẻ. Bác sĩ Richard Harris đã bỏ ra 3 ngày cho công việc khó khăn này. Cảm phục đội bóng nhí Wild Boars và những người tham gia cấp cứu anh hùng sau 1 tuần làm việc, Harris sống tại Adelaide quyết định bỏ ngày nghỉ ở Thái Lan và nhờ thợ lặn đưa vào hang Tham Luang như một thiện nguyện viên bất kể nguy hiểm khó lường.

Khi vào được trong hang, việc đầu tiên ông làm là kiểm tra sức khoẻ các nạn nhân và ở lại với bọn trẻ trong 3 ngày. Theo đề xuất của ông, những đứa trẻ yếu nhất sẽ được cứu trước và những người còn lại lần lượt ra sau trong một pha cấp cứu ngoạn mục và phức tạp. Bác sĩ Harris, còn được gọi là Harry, thuộc số người cuối cùng ra khỏi hang. Những người tham gia cứu hộ được tôn vinh là anh hùng. Nhưng niềm vui bị lắng xuống sau khi có tin cha của bác sĩ Harris qua đời không lâu sau khi ông hoàn tất phần cấp cứu của mình.

Là bác sĩ nổi tiếng cho những hoạt động thiện nguyện, ông khá thành thạo về thám hiểm hang động dưới nước và đang làm việc cho một dịch vụ cứu thương tại miền nam nước Úc.

Nỗi buồn của gia đình ông được giảm nhẹ khi nghe tin ông tham gia hoạt động cứu người. “Đây là tuần pha trộn giữa nỗi lo và sự hưng phấn của chúng tôi. Harris là người ít nói và tử tế. Ông chưa bao giờ do dự khi cần giúp đỡ người khác trong bất cứ tình huống nào” - bác sĩ Andrew Pearce thuộc dịch vụ MedSTAR nói. Bác sĩ Harris được các thợ lặn Anh đánh giá cao và chính phủ Thái sẽ trao Huân chương cao nhất để ghi nhận hành động xả thân của ông. “Ông ấy là phần không thể thiếu của hoạt động cấp cứu. Những tổ chức cấp cứu tình nguyện trên thế giới đều biết đến ông” - Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói.

Lãnh đạo của hoạt động cấp cứu, thị trưởng Chiang Rai Narongsak Osotanakorn nhận định với phóng viên báo Úc Australian Nine News: “Nước Úc đóng góp nhiều vào các hoạt động thiện nguyện, nhất là khi nói đến bác sĩ. Điều đó thật là tốt. Bác sĩ Harris đã giúp đỡ rất nhiều trong việc giữ vững tinh thần các nạn nhân trong hang. Ông là người hoàn hảo trong việc cứu nạn”. Trên các mạng xã hội cũng tràn ngập những lời biết ơn và tôn vinh gửi đến Harris.

Nhiều người tôn vinh ông là “Công dân Úc của Năm” như một gợi ý cho chính phủ Úc. Là thợ lặn chuyên nghiệp ông từng lặn chụp ảnh trong nhiều hang động tại Úc, New Zealand, Christmas Island và Trung Quốc.

Nhưng trong một bi kịch xảy ra vào năm 2011, ông phải thu hồi xác bạn gái Agnes Milowka chết vì hết dưỡng khí trong một lần lặn hang sâu tại Nam Úc. Bishop khen Harris đã “tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong ý thức của người Úc về hoạt động thiện nguyện và cứu người sau hành động của ông tại Thái Lan”. Bà cũng đánh giá cao Craig Challen, một cựu binh từ Perth (Úc), đồng đội luôn sát cánh với Harris tại Thái Lan. Úc gửi đến Thái Lan 20 người kể cả cảnh sát và thợ lặn hải quân trợ giúp.

Theo The New York Times và Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ