Chủ động, tự tin tạo sân chơi
Vở kịch “Di họa” lấy bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đầu thế kỷ 20, xoay quanh cuộc đời của Hòa - một cô gái xinh đẹp nhưng cuộc sống chẳng bình yên.
Hòa đã chấp nhận làm vợ ba của lão gia Đại ranh ma, quỷ quyệt bởi cô nung nấu quyết tâm báo thù cho cha mẹ mình đã bị ép chết oan uổng. Cô đổi tên thành Họa, âm thầm nhẫn nhục làm những việc trong bóng tối để lão Đại bị trị tội.
Trong cuộc sống hôn nhân đầy toan tính, Họa còn phải đối mặt với bà cả Yến cũng đầy toan tính và thủ đoạn để giành quyền lợi cho con trai mình.
Đại - lão gia cáo già mê muội trong quyền lực và tiền tài, là đại diện của phong kiến, của những thế lực tàn ác, reo rắc đớn đau... Con đường báo thù càng trở nên gian nan khi cô mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Nỗi ân oán đã tiếp diễn giữa những số phận đời người càng trở nên phức tạp trong sự giằng xé, hận thù, lòng trắc ẩn…
Di họa được công diễn trước 600 khán giả trên một sân khấu chuyên nghiệp lại do các diễn viên nghiệp dư dàn dựng, thực hiện. Các học sinh này là thành viên của CLB Kịch nghệ Lifes So Drama (LSD), được thành lập từ năm 2014 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Trong những năm qua, các thành viên của LSD tự đứng ra tìm kiếm, vận động kinh phí để dàn dựng và biểu diễn các vở chính kịch, hài kịch, bi kịch và các dự án phim ngắn.
LDS đã tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa và có sức hút mạnh mẽ tới cộng đồng. Trước Di họa, LSD cũng đã thực hiện các vở diễn trên sân khấu lớn gây chú ý như Frollo(2016), Đoạn tuyệt (2018).
Tích cực tham gia tổ chức sự kiện trong Ban Truyền thông, Hoàng Mai Đức Minh chia sẻ: “Đây là cơ hội để các thành viên cùng nhau tạo nên một mùa hè đáng nhớ, tham gia vào những hoạt động bổ ích, đóng góp cho cộng đồng, cũng là dịp để các thành viên học hỏi và trau dồi thêm những kỹ năng cần thiết khi tổ chức một hoạt động có quy mô lớn như khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, hậu cần, tài chính và truyền thông...
Chính vì vậy, dù đã tích lũy được kinh nghiệm nhưng các diễn viên mùa trước sẵn sàng chuyển sang làm các công việc khác, dành sân khấu để các thành viên mới được trải nghiệm và tỏa sáng.
Cháy hết mình cho nghệ thuật
Năm nay, khi bước sang mùa thứ 3, các khâu từ vận động kinh phí, xây dựng kịch bản, chuẩn bị bối cảnh, đạo cụ, trang phục, tuyển diễn viên… của các bạn trẻ đều được thực hiện chuyên nghiệp và có những cải thiện rõ rệt.
Tham gia dàn dựng vở kịch dài gồm 3 hồi, 20 cảnh, trong số 12 diễn viên còn có sự góp mặt của HS của một số Trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ rộng, sâu, đẹp là môi trường lý tưởng để các diễn viên nghiệp dư thỏa sức thả mình cùng nghệ thuật.
Số tiền thu được từ 600 chiếc vé bán ra không thấm tháp với 2 tháng trời chăm chỉ tập luyện của các em. Nhưng với sự nhiệt huyết đam mê, điều lớn hơn mà các em đem lại là những tín hiệu khởi sắc cho tương lai sân khấu sẽ tìm được chỗ đứng lâu hơn, bền hơn trong lòng khán giả trẻ.
Lê Thu Phương, học sinh lớp 10A Anh 1 cho biết: Em mới tập diễn xuất từ khi tham gia CLB. Vì còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống nên thể hiện được vai Hòa (Họa) với nhiều diễn biến nội tâm phức tạp là điều rất khó.
Em đã nỗ lực học hỏi, ngoài việc đọc kịch bản kỹ lưỡng để hiểu nhân vật, em còn lên mạng xem phim, xem kịch, học hỏi cách biểu lộ cảm xúc, cách thể hiện những mâu thuẫn nội tâm, sự giằng xé dằn vặt trước quyết định phải đánh đổi, trả giá…
“Khán giả đã được xem và ghi nhận tài năng diễn xuất của nhiều diễn viên gạo cội rồi, chúng em mới tập làm diễn viên, nhưng hy vọng có thể tạo ra cái nhìn có chút màu sắc mới của người trẻ.
Trong xã hội vẫn đang có sự phân biệt đối xử về giàu nghèo, một số bạn trẻ bây giờ cũng hay để tâm vào những thứ hào nhoáng, hình thức xa vời mà không quan tâm đến những gì chân thật, thực sự quan trọng nhất với mình. Em hy vọng vở kịch đưa ra một thông điệp ý nghĩa để mọi người suy nghĩ”, Thu Phương bày tỏ.
Bước ra từ hàng ghế khán giả, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Lê Tiến Thọ cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ khi được thưởng thức vở kịch của các em HS trên sâu khấu lớn Nhà hát Tuổi trẻ.
Các bạn trẻ mới 16 - 17 tuổi, chưa hề qua trường lớp đào tạo nhưng đã “làm tròn” được vai diễn của mình, thể hiện rõ ràng tính cách nhân vật, vấn đề ứng xử với cuộc sống đặt trong những mối quan hệ phức tạp và bật lên những giằng co nội tâm.
Các em đã rất nhiệt huyết, dấn thân, đam mê, nỗ lực thể hiện năng khiếu, khả năng của chính mình để tạo ra một vở kịch đáng xem.Những thử nghiệm, tâm huyết đó rất đáng trân trọng và gợi ý cho chúng tôi những vấn đề cần lưu tâm trong phát triển dự án sân khấu học đường”.
“Tôi nể trọng sự nghiêm túc và trân trọng những ý tưởng, công sức sáng tạo và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của các em. Thế hệ chúng tôi 10 năm trước khi đã là sinh viên cũng không thể thực hiện được những buổi diễn qui mô như thế này.
Thành công của đêm diễn là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những học sinh đã dành cả mùa hè để cháy hết mình cho nghệ thuật”, thầy giáo Nguyễn Tiến Tân - cựu Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ cảm nhận.