Thầy Dũng ở Pa Thơm

GD&TĐ - Ghi nhận những đóng góp to lớn cho giáo dục vùng biên, cô Triệu Thị Lê đã có bài viết sâu sắc về thầy Hiệu trưởng Trường TH&THCS Pa Thơm.

Thầy Nguyễn Hữu Dũng (áo đen đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giáo viên toàn trường.
Thầy Nguyễn Hữu Dũng (áo đen đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giáo viên toàn trường.

" Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Yêu lấy thầy - yêu ở đây không phải tình yêu giữa nam và nữ, tình yêu đôi lứa. Yêu là yêu quí, kính trọng, là tôn trọng. Người được nhắc đến trong câu chuyện này là thầy Nguyễn Hữu Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Thầy ra trường đã tròn bốn mươi năm. Ngần ấy năm trong nghề dạy học, nhiều năm giữ chức cương vị hiệu trưởng ở khắp các trường THCS như: Thanh An, Sam Mứn, Noong Hẹt, Thanh Yên. Ở đâu thầy cũng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo và kính trọng. Về Pa Thơm mới được 5 năm nhưng thầy đã để lại cho đồng nghiệp và học trò những ấn tượng sâu sắc, đặc biệt.

Một người thầy, một nhà quản lý, lãnh đạo thông minh, khoa học, nhiệt huyết, công tâm, tận tụy, gương mẫu mà giản dị, chân tình, gần gũi, hòa đồng với giáo viên, học sinh và nhân dân. Thầy biết khích lệ tinh thần phấn đấu và cống hiến của giáo viên, sự nỗ lực vươn lên của học sinh. Làm việc dưới sự quản lý của thầy, các thầy, cô, ai cũng muốn cố gắng được học hỏi và trưởng thành hơn.

Trường lớp được đầu tư khang trang.

Trường lớp được đầu tư khang trang.

Nhờ sự chỉ đạo và dẫn dắt tận tình ai cũng có động lực để phấn đấu, vươn lên và phát huy. Thầy luôn tuyên dương, khen thưởng kịp thời, phê bình thẳng thắn khiến ai cũng nể phục. Cách giao việc của thầy khoa học và hiệu quả. Giáo viên phát huy hết khả năng và khẳng định được mình. Thầy giao công việc rõ ràng, không chồng lấn, việc của ai người đó làm. Một thầy giáo luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục của xã Pa Thơm.

Tôi còn nhớ: Đầu năm học 2017 - 2018 khi thầy về công tác trường Trung học cơ sở xã Pa Thơm, biết chất lượng dạy và học trường vùng cao còn nhiều hạn chế hơn so với lòng chảo. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, là người có tâm huyết, năng động, nhiệt tình thầy luôn mong muốn tìm ra những bước đi riêng để giữ gìn và phát triển giáo dục xã nhà.

Để thực hiện mục đích phát triển giáo dục xã Pa Thơm, ngay đầu năm học thầy lên ủy ban xã báo cáo, tìm hiểu tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, chất lượng giáo dục của xã.

Pa Thơm là xã biên giới đặc biệt khó khăn, với chiều dài đường biên 19km đường sông suối và 12,5km biên giới đất liền, 6 cột mốc. Nơi đây địa hình hiểm trở, giao thông đi lại còn khó khăn, kinh tế chậm phát triển.

Nhiều chương trình thiện nguyện do thầy Hiệu trưởng kết nối, thực hiện.
Nhiều chương trình thiện nguyện do thầy Hiệu trưởng kết nối, thực hiện.

Nhận thức của bà con còn hạn chế việc học hành, ăn ở, sinh hoạt phó mặc cho nhà trường. Thậm chí ngày nghỉ lễ cũng không đón về bản, các em vẫn ở lại trường. Vì thế ngay đầu năm học thầy đã cùng Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, cán bộ khuyến học của xã xuống từng bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Về trường làm giấy cam kết yêu cầu phụ huynh ký cam kết cho con em đi học, ở nội trú. Thấy một số em không có quần áo dài để mặc, mặc quần đùi áo phông đi học, thầy đi xin các nhà hảo tâm nhóm Thiện Tâm (Thanh Yên, Hà nội) tài trợ cho học sinh toàn trường mỗi em một áo cờ, một áo ấm, sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt: chăn, gối, xà phòng,.. Đồn Biên phòng Pa Thơm thực hiện chương trình: " Nâng bước em đến trường" hai học sinh: Em Lò Thị Bua, Lò Văn Nhất. Nhà chùa Linh Quang ủng hộ mỳ tôm, chăn ấm cho học sinh nghèo toàn trường. Đoàn thiện nguyện cùng bác sĩ 108 tổ chức tiếng ve "gọi hè về", khám chữa bệnh miễn phí cho bà con. Viettel Điện Biên thực hiện Chương trình: " Vì em hiếu học", trao cho nhà trường 5 suất quà (1 triệu đồng/suất).

Trường nội trú bong tróc hết vôi, bẩn thầy vận động gia đình cô giáo Lê Năm ủng hộ các thùng sơn. Thầy lên đồn Biên phòng nhờ các anh bộ đội kết hợp với giáo viên của trường sơn, sửa lại tường cho khang trang, sạch sẽ. Thấy cửa lớp học mục rỗng, lung lay sắp đổ, thầy lên phòng xin kinh phí, sơn, sửa cửa lớp học... Trung thu năm ấy lần đầu tiên Ban hiệu nhà trường, Ban chấp hành Công đoàn, đồn Biên phòng tổ chức rước đèn, phá cỗ, trông trăng cho học sinh toàn trường.

Thầy Nguyễn Hữu Dũng đã kết nối, thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa.

Thầy Nguyễn Hữu Dũng đã kết nối, thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa.

Học sinh nội trú kỹ năng sống còn yếu, thầy đã lên đồn Biên phòng cho các chiến sỹ xuống hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh bát đũa, ăn ở....Rồi ngày thương binh liệt sỹ, thầy cùng Ban chấp hành Công đoàn đi viếng đài tưởng niệm đầu bản Pa Xa Lào. Hỗ trợ cho bà mẹ liệt sỹ, con liệt sỹ, thương binh 7 suất quà, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng.... Những hành động này thầy chính thức khẳng định cho sự quan tâm của mình tới nhà trường, học sinh và nhân dân.

Nhận thấy chất lượng giáo dục xã nhà còn non, chất lượng mũi nhọn còn thấp, chưa bền vững, thầy lên kế hoạch cụ thể từng tuần, tháng phù hợp với nhà trường để cán bộ, giáo viên biết được công việc của mình phải làm. Thầy đã có nhiều hành động củng cố chất lượng dạy và học bằng việc tiến hành kiểm tra toàn diện, kiểm tra nội bộ đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém. Trong quản lý nội trú, thầy đã phân công giáo viên phụ trách từng phòng. Buổi tối phân công giáo viên hướng dẫn các em nội trú học bài.

Phòng GD&ĐT tổ chức thi giáo viên giỏi cấp huyện. Thầy cũng cho thi giáo viên giỏi cấp trường để bồi dưỡng đội ngũ, chất lượng dạy học và thi cấp huyện. Cuối năm trường được công nhận Tiên tiến cấp huyện, thầy được UBND huyện Điện Biên tặng giấy khen.

Năm học 2018 – 2019, trường Trung học cơ sở sáp nhập với trường Tiểu học bán trú dân tộc nội trú xã Pa Thơm. Khó khăn lại chồng chất khó khăn, địa bàn rộng hơn, giáo viên và học sinh đông hơn. Khi sáp nhập hai trường, chưa có quyết định chính thức từ UBND huyện, thầy phụ trách trường trong điều kiện 2 phó hiệu trưởng thì 1 người nghỉ hưu, người còn lại đi học dài hạn. Một mình thầy nhưng thầy vẫn chỉ đạo các tổ, khối, lên thời khóa biểu. Tiến hành lao động vệ sinh dọn trường, học bình thường, cùng với đồn Biên phòng Pa Thơm tổ chức trung thu cho học sinh hai cấp.

Khi UBND huyện Điện biên có Quyết định bổ nhiệm chính thức, thầy tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn các tổ, phân công giáo viên phụ trách khu nội trú của học sinh. Tổ chức việc khảo sát giáo viên trung bình, thi giáo viên giỏi cấp trường, phân công giáo viên giỏi kèm và giúp đỡ giáo viên trung bình về phương pháp. Đẩy mạnh phụ đạo học sinh yếu kém, nâng cao ý thức bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa. Chú trọng bồi dưỡng học sinh giải máy tính cầm tay lớp 9, nghiên cứu khoa học ứng dụng dành cho học sinh lớp 9.

Các em đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 9 năm học 2018 - 2019.
Các em đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 9 năm học 2018 - 2019.

Kết quả đầu năm nhà trường đã đạt 2 giải khuyến khích cấp huyện. Những tin vui đã đến khi nhà trường đạt giải 3 tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh giải máy tính cầm tay; Môn Toán, trường đạt giải ba cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh. Còn Môn Văn học, đạt giải nhì cấp huyện và tỉnh. Môn Lịch sử đạt giải khuyến khích cấp huyện.

Để khẳng định vị thế của nhà trường, thầy tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học. Đầu tư công tác mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng chuẩn. Vì vậy, tháng 11/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Cuối năm học 2019 - 2020 trường được tặng danh hiệu Tiên tiến cấp huyện, UBND huyện Điện Biên tặng giấy khen; UBND tỉnh công nhận Trường tiên tiến cấp tỉnh.

Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh công tác giáo dục của trường, bồi dưỡng nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh chất lượng mũi nhọn, thể thao nhà trường đã giành được một số giải học sinh giỏi về văn hóa: Học sinh giỏi môn giáo dục công dân lớp 9, học sinh giỏi môn văn lớp 7; 4 học sinh giỏi môn Tiếng Anh lớp 4, 5. Giải thể thao, học sinh nhà trường giành 16 giải nhất cấp huyện, tỉnh, khu vực.

Cuối năm học 2020 - 2021 trường vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Sở GD&ĐT tặng giấy khen. Còn thầy được UBND huyện Điện Biên tặng giấy khen.

Tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ, quyết tâm giữ vững giáo dục xã Pa Thơm đạt chuẩn Quốc gia mức độ I; xóa mù chữ đạt mức độ II; phấn đấu đến năm 2024 nhà trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, thầy vẫn là “ Anh cả” tâm huyết, tận tụy dẫn đầu mọi công việc. Tập thể giáo viên đoàn kết, nỗ lực vươn lên. Cuối năm học 2021- 2022 trường được UBND tỉnh Công nhận Tập thể lao động xuất sắc; Sở GD&ĐT tặng giấy khen; UBND huyện tặng Giấy khen. Thầy được Liên đoàn lao động huyện Điện Biên tặng giấy khen.

Thầy ơi! Không sách bút, hay lời nói tốt đẹp nào có thể diễn tả hết những công lao của thầy với giáo dục xã Pa thơm. Năm nay nhân kỷ niệm ngày thành lập nhà giáo Việt Nam tròn 40 tuổi, thay mặt các anh, chị em trong nhà trường xin kính chúc thầy nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Mong rằng thầy tiếp tục kề vai sát cánh đưa nền giáo dục Pa Thơm đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...