Ngày 9/2, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị Sơ kết học kỳ I, năm học 2022 – 2023.
Đánh giá kết quả học kỳ cho thấy, toàn ngành đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ kế hoạch, nhiệm vụ năm học. Kịp thời hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Bộ sát thực tế.
Năm học 2022 – 2023, mặc dù quy mô trường, lớp tiếp tục tăng, song toàn ngành thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, thiếu 203 giáo viên các môn chuyên biệt (Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Tuy nhiên, ngành đã chủ động rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp phù hợp, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu; bố trí dạy liên trường, liên cấp, liên xã…
Các cơ sở giáo dục bám sát chỉ đạo của Bộ, xây dựng và thực hiện tốt chương trình giáo dục tại nhà trường. Các trường cũng đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, tăng cường các hoạt động trải nghiệm…
Qua đó, nhiều khó khăn dần được khắc phục, tháo gỡ. Đa số chỉ tiêu phát triển GD&ĐT trong năm đều vượt kế hoạch. Đối với cấp học Mầm non, có 93,8% trẻ phát triển bình thường về cân nặng; 90,9% phát triển bình thường về chiều cao… 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần.
Đặc biệt, triển khai Chương trình GDPT năm 2018, khối 1, 2, 3, bình quân có trên 98% học sinh được đánh giá đạt và tốt về 5 phẩm chất; hơn 96% đạt và tốt về 10 năng lực. Đối với học sinh lớp 6, 7 có 99,7% xếp loại rèn luyện từ đạt trở lên; trên 95% xếp loại học tập từ đạt trở lên. Riêng khối 10 có gần 7.800 em thì hơn 98% được đánh giá hạnh kiểm từ đạt trở lên, trên 85% học lực từ đạt trở lên…
Các chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng so với năm học trước. Trong đó, 8/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giao. Cụ thể như tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến dưới 36 tháng tuổi đến nhà trẻ (đạt 45,9%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (đạt 99,97%); trẻ 11 tuổi vào lớp 6 (đạt 98%); trẻ 15 – 18 tuổi học THPT và tương đương (đạt 72,1%)…
Năm học 2022 – 2023, Điện Biên có 481 trường, trung tâm với hơn 7.400 lớp, trên 207.500 học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, có 168 trường Mầm non, 295 trường phổ thông, 17 trung tâm và 1 trường cao đẳng.
Phát huy kết quả đạt được, ngành Giáo dục Điện Biên thống nhất xác định 17 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong học kỳ II. Ngoài ra, ngành cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương quan tâm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt là sớm triển khai các chính sách cho giáo viên, học sinh vùng khó; đầu tư cơ sở vật chất; bổ sung biên chế…