Thay đổi từ gốc đào tạo nhân lực ngành báo chí thời 4.0

GD&TĐ - Mạng xã hội và hình thức “báo chí công dân” bùng nổ trong thời đại 4.0 thách thức sự tồn tại, phát triển của báo chí chính thống.

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) thực hành kỹ năng. Ảnh: Khánh Vân
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) thực hành kỹ năng. Ảnh: Khánh Vân

Trong bối cảnh đó, nhân lực ngành báo chí buộc phải thay đổi từ nhận thức đến việc hình thành kỹ năng mới, mà gốc của vấn đề phải đến từ quá trình đào tạo.

ThS Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM): Hệ sinh thái truyền thông thay đổi

ThS Phan Văn Tú.
ThS Phan Văn Tú.

Sự phát triển của truyền thông xã hội đã thay đổi hệ sinh thái truyền thông trong thời đại ngày nay, đặc biệt, tác động đến thói quen tiêu dùng thông tin của công chúng. Hệ sinh thái truyền thông mới trao quyền lực cho công chúng: Tất cả đều làm truyền thông.

Công chúng không chỉ thụ hưởng tin tức từ cơ quan báo chí mà còn trực tiếp tạo ra thông tin. Đặc điểm nổi bật trong hệ sinh thái truyền thông mới là sự tham gia bình đẳng của nhiều bên vào quá trình thông tin. Môi trường truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng, đa tiếp nhận. Nội dung có thể được chuyển tiếp, chia sẻ và tương tác giữa người dùng mà không cần bộ lọc, kiểm chứng thông tin của bên thứ ba. Công chúng không còn đơn thuần là khách hàng của báo chí chính thống mà là một khâu quan trọng trong sáng tạo sản phẩm truyền thông. Bối cảnh ấy đã và sẽ buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi.

Trong 10 năm qua, hầu hết cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có số đông người sử dụng như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram… để đáp ứng nhiều tệp công chúng mới, chuyên biệt và để nối dài, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống. Xu thế phát triển báo chí đa nền tảng (multiplatform journalism) cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.

Việc phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội đã hình thành một đội ngũ nhân sự mới trong hoạt động báo chí - cơ quan truyền thông. Đó là các biên tập viên truyền thông xã hội (social media editor). Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã có chức danh này nhưng tên gọi thì chưa thống nhất.

Những năm gần đây, trong hoạt động đào tạo báo chí, chúng tôi cũng khai thác mạng xã hội để triển khai việc thực hành các kỹ năng của biên tập viên truyền thông cho sinh viên báo chí. Theo đó, người học được trang bị kiến thức chung về truyền thông trên môi trường mạng xã hội và kỹ năng sáng tạo nội dung cho nền tảng mạng xã hội phổ biến. Sinh viên có thể làm quen với việc xử lý lại tin bài dưới hình thức cũ (văn bản + ảnh tĩnh) thành video, đa phương tiện phù hợp với nền tảng mới.

Các bài tập làm sản phẩm giúp sinh viên trau dồi tư duy “đa nền tảng”, rèn luyện kỹ năng trực quan hóa văn bản, dữ liệu, biết dùng công cụ video, đồ họa để tiếp tục sản xuất và phân phối phù hợp cho nền tảng mạng xã hội. Ví dụ: Định dạng phân phối phải phù hợp nền tảng và ưu tiên cho trải nghiệm người dùng trên điện thoại. TikTok định dạng video dọc, ảnh trên Fanpage, Instagram định dạng vuông…

Sáng tạo nội dung cho từng nền tảng cần sự thay đổi linh hoạt cách kể chuyện, kỹ năng kết cấu bố cục, ghi hình, dựng hình cho phù hợp và hiệu quả. Sinh viên cũng được trang bị kiến thức để biết tận dụng tối đa tính năng (features) của từng nền tảng để đa dạng hóa hình thức phân phối, tăng tối đa lượng tiếp cận đến người dùng.

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) thực hành kỹ năng. Ảnh: Khánh Vân

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) thực hành kỹ năng. Ảnh: Khánh Vân

Một trong những kỹ năng mạng xã hội chúng tôi chia sẻ với sinh viên là việc phân tích hành vi người tiêu dùng tin tức trên các mạng xã hội. Với sự hỗ trợ của công cụ đo lường từ các nền tảng, sinh viên tập phân tích xu hướng, mối quan tâm của từng nhóm khán giả.

Kết quả phân tích hỗ trợ việc sáng tạo sản phẩm mới cho các nền tảng. Riêng kỹ năng quản lý các bình luận của công chúng, chúng tôi chưa tổ chức thực hành được do thiếu điều kiện cần thiết. Nội dung này sinh viên sẽ được chuyên gia là những nhà báo đến từ cơ quan báo chí có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển báo chí đa nền tảng, đến lớp chia sẻ trực tiếp.

Chúng tôi cũng dùng mạng xã hội như một kênh phát hành nội dung để sáng tạo tác phẩm. Các mạng xã hội hiện nay là môi trường xuất bản nội dung đa phương tiện miễn phí, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok có tính năng truyền trực tiếp (live stream)... là điều kiện tuyệt vời để giảng viên - sinh viên báo chí có thể mô phỏng, giả lập hoặc tạo ra một kênh báo chí hiện đại trong thực hành nghiệp vụ.

Các bài tập đa phương tiện từ đồ họa thông tin (infographics), megastory, long-form… đến phim tài liệu, talkshow truyền hình, podcast phát thanh v.v… đều có thể dùng mạng xã hội như một tờ báo để xuất bản (trong phạm vi hẹp hoặc rộng rãi). Tính năng live stream giúp giảng viên dạy kỹ năng truyền hình có thể tổ chức chương trình trực tiếp từ nhiều không gian, rèn cho sinh viên làm quen với việc sản xuất các dạng chương trình phối hợp, kỹ năng xử lý tình huống trong trực tiếp. Sản phẩm đa phương tiện qua YouTube, Facebook là hình thức thực hành bám sát với thực tiễn báo chí hơn những bài tập “chay” trước đây.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP HCM), giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM): “Trong nguy có cơ”

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Dù muốn dù không thì sự bùng nổ của mạng xã hội và “báo chí công dân” (tôi xin phép không gọi đây là loại hình, vì chúng ta đã biết lịch sử báo chí thế giới có 4 loại hình: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử) tác động không nhỏ đến vị thế và vai trò của ngành báo chí, truyền thông. Đây là sự thật không thế thay đổi và nếu có muốn chống lại cũng không thể.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và hàng loạt phát minh khoa học kỹ thuật vĩ đại khác trong tương lai khiến nhiều tờ báo với truyền thống hình thành phát triển cả trăm năm trên thế giới phải đóng cửa hoặc chuyển từ báo giấy qua hình thức phát hành khác. Covid-19 đã chứng kiến nhiều cuộc ly tan của báo chí. Ở Việt Nam, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng về chiều sâu lẫn bề rộng của báo chí và truyền thông trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy trong nguy có cơ. Nghĩa là, trong thời đại có nhiều “robot” làm báo, vô số thông tin không xác định được tính chính xác, độ nhiễu ngày càng cao thì thông tin trên các tờ báo chính thống, cơ quan thông tấn uy tín cao sẽ có chỗ đứng. Người dân không xác định được đâu là tin đúng đâu là tin sai thì họ có chỗ bám víu. Đó là tin từ các nhà báo, cơ quan thông tấn báo đài uy tín. Và các nhà báo hãy tận dụng tốt cơ hội này để xây thành luỹ vững chắc, là điểm tựa, niềm tin cho công chúng trong lúc họ vùng vẫy bơi ngợp trong biển thông tin mà không biết đâu là “phao xịn” đâu “phao hết hơi”.

Từ những chia sẻ trên, tôi khẳng định, các phóng viên cần làm việc chỉn chu hơn bao giờ hết: Nhanh, tốc độ là cần thiết nhưng xin hãy chính xác. Chính xác và minh bạch thông tin là điều công chúng luôn khát khao trong thời đại “loạn thông tin”.

Kỹ năng của một phóng viên như thế nào, biên tập viên cần gì thì chắc chắn mỗi cơ quan thông tấn, báo đài sẽ có yêu cầu riêng. Các bạn trẻ muốn theo con đường này phải chuẩn bị cho mình nhiều kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ, làm việc nhóm. Các kỹ năng về công nghệ cũng cần được rèn luyện. Khi tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện, nếu vừa biết viết, biết làm kịch bản, còn có thể dẫn hiện trường, biết tự trang điểm, có phong cách ăn mặc hợp thời, lịch thiệp, còn có khả năng phỏng vấn tốt, biết quay, biết dựng phim… phóng viên sẽ chủ động và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” sáng, dĩ nhiên là phải có kiến thức nền tảng về nghề vững vàng.

Các bạn cũng cần trang bị ngôn ngữ, cụ thể là khả năng sử dụng tiếng Việt chuẩn. Tôi khá lo lắng cho thế hệ Gen Z khi nhiều bạn viết một bài luận sai chính tả, sai ngữ pháp cơ bản. Chỉ trong 10 dòng mà có tới 10 đến 15 lỗi. Kỹ năng đọc với ngành báo chí và truyền thông, với tôi, là một trong những yếu tố quan trọng, không thể không có. Đọc sách cho các bạn ngôn từ để viết, dẫn chương trình và cho cả kiến thức. Việc đào tạo giảng dạy hiện nay cũng cần điều chỉnh cho hợp với thời đại. Dĩ nhiên, tôi tin các thầy cô đã và đang nỗ lực, tuy nhiên sự đầu tư về trang thiết bị đôi khi chưa đáp ứng hết yêu cầu của ngành nghề.

Chuyên gia Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc Tăng trưởng Tập đoàn Truyền thông Golden (Golden Communication Group), giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM): Cần kiến thức và kỹ năng đa dạng

Chuyên gia Huỳnh Lê Khánh.

Chuyên gia Huỳnh Lê Khánh.

Tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và báo chí công dân đã và đang biến đổi ngành truyền thông theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta thấy khá rõ trong những năm gần đây, ngành truyền thông và cả ngành báo chí bước vào cuộc đua của tốc độ và tính xác thực. Chúng ta cũng thấy mạng xã hội đã mở rộng các nguồn thông tin sẵn có, thách thức vai trò gác cổng của các tổ chức truyền thông. Cấu trúc phân cấp của các tổ chức tin tức hiện tại cũng bị phá vỡ, dòng chảy của tin tức trở nên đa dạng hơn và không phải là một dòng chảy cố định, bất di bất dịch.

Bất chấp những đổi thay này, các nhà báo chuyên nghiệp, nhà tổ chức truyền thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp báo cáo chuyên sâu, chính xác và được xác minh. Họ vẫn mang lại lượng kiến thức chuyên môn, uy tín và trách nhiệm giải trình cho hệ sinh thái tin tức; đồng thời tận dụng các mạng xã hội để phân phối rộng rãi, gắn kết và tương tác với khán giả của mình một cách trực tiếp và thường xuyên hơn.

Để tồn tại và phát triển ngành truyền thông trong bối cảnh đang thay đổi mạnh mẽ, các chuyên gia tương lai phải sở hữu kiến thức và kỹ năng đa dạng. Họ cần trang bị kiến thức về kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, biết phân tích và đánh giá dữ liệu, khả năng sáng tạo nội dung và biết cách kể chuyện. Đây là những điều đã và đang tạo ra xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông hiện nay.

Bên cạnh đó, họ cũng cần tăng cường trí tuệ cảm xúc - đây là một trong những đòi hỏi của thời đại với nhiều ngành nghề chứ không riêng truyền thông. Kỹ năng quản trị sự thay đổi cũng rất cần thiết khi mà chúng ta chứng kiến biến đổi của thời đại được tính bằng giờ, phút. Việc hiểu rõ chính mình đi cùng với biết cách giao tiếp với xã hội, kiên cường (để vượt qua khó khăn của thời cuộc) và biết thấu cảm, có tinh thần phụng sự sẽ giúp họ đứng vững được trong thời đại của sự chuyển đổi như vũ bão về mọi mặt.

Theo tôi, đội ngũ làm công tác truyền thông phải được đào tạo đa ngành, bao gồm tích hợp phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số; ra quyết định dựa trên dữ liệu, tư duy đạo đức và phản biện, giao tiếp đa văn hóa và toàn cầu, cũng như phát triển hợp tác và biết cách làm việc theo nhóm.

Các cơ sở đào tạo ngành báo chí, truyền thông cần nhấn mạnh hoạt động thực hành đạo đức, tư duy phản biện và làm sao để hiểu biết về phương tiện truyền thông. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong bối cảnh ngày nay. Cách thiết kế chương trình học cũng cần thay đổi để tránh tập trung quá nhiều về mặt thông tin và thiếu tính thực tế hay va chạm thực tế. Các mô hình cố vấn (mentorship) hoặc học tập kết hợp phụng sự (service learning) nên được cân nhắc bổ sung vào chương trình học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.