Thứ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành Giáo dục có nhiều đổi mới, điển hình là việc triển khai Thông tư 30 tại các trường tiểu học trên cả nước; kỳ thi THPT Quốc gia và định hướng về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Đến nay, những chủ trương này đã nhận được sự đồng tình cao của học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội. Thành công này là có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí nói chung và các đồng chí phóng viên nói riêng.
Chính các nhà báo đã góp phần định hướng dư luận, giúp người dân từ chỗ hiểu đến yên tâm và tin tưởng vào chủ trương đổi mới của Ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị: Ngoài việc biểu dương những điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục, báo chí cũng cần phản ánh những biểu hiện tiêu cực, những việc làm chưa tốt của các cá nhân, tập thể làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng giáo dục.
Chính trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo mới có những thông tin đa chiều của các tầng lớp xã hội. Bộ GD&ĐT luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng từ các cơ quan thông tấn, báo chí để tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.
Thứ trưởng mong muốn thời gian tới Bộ GD&ĐT và báo chí sẽ gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về những chủ trương, chính sách của Ngành.
Đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, Thứ trưởng đề nghị các phóng viên, cơ quan báo chí tiếp tục có những thông tin, bài viết nhằm giúp các thí sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội yên tâm, tin tưởng, từ đó có những việc làm, hành động thiết thực để cùng với Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi thành công.