Nhiều giảng viên bị truy thu thuế thu nhập cá nhân

GD&TĐ - Liên quan đến một số giảng viên bất ngờ bị cơ quan thuế tại TPHCM truy thu thuế thu nhập cá nhân trong nhiều năm với số tiền hàng trăm triệu đồng, Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế đã quy định rõ điều này

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Liên quan đến một số giảng viên bất ngờ bị cơ quan thuế tại TPHCM truy thu thuế thu nhập cá nhân trong nhiều năm với số tiền hàng trăm triệu đồng, Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu vi phạm, ngoài việc truy thu số tiền thuế thiếu còn bị xử phạt tiền chậm nộp.

Bị truy thu hàng trăm triệu

Một giảng viên lâu năm cho biết, ngoài nguồn thu nhập từ việc giảng dạy ở trường còn có nguồn thu nhập khác từ việc viết sách, viết báo, thỉnh giảng. Trước khi trả thu nhập, các đơn vị đều khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%. Họ đinh ninh như vậy là đã nộp thuế đầy đủ, cuối năm chỉ ủy quyền quyết toán thuế phần thu nhập từ trường cho trường thực hiện quyết toán.

Từ trước tới giờ họ không nhận được thông báo nhắc nhở nào về việc nộp thuế thu nhập cá nhân thiếu. Bởi vậy khá bất ngờ với thông báo truy thu thuế thu nhập cá nhân trong 6 năm (từ 2014 đến nay) với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Đây là những trường hợp có nhiều nguồn thu nhập nhưng cuối năm không tổng hợp lại để quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Không ít người khác cũng có thể sẽ gặp tình huống tương tự trong đó, có những giảng viên đã về hưu.

Lý giải về việc truy thu thuế thu nhập cá nhân này, TS Lê Quang Dũng, Giảng viên Viện Kế toán kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) giải thích, nó xảy ra khi các giảng viên phát sinh thu nhập ngoài trường không thực hiện việc quyết toán. Nếu thu nhập phát sinh lớn sẽ dẫn tới tình huống số tiền đã tạm khấu trừ bị thấp hơn số phải nộp, mức thuế suất có thể cao hơn mức 10% đã khấu trừ.

TS Lê Quang Dũng cũng nhấn mạnh thêm, khi thực hiện khấu trừ 10% tại nguồn, người nộp thuế phải được nhận chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân để xác định số thuế thu nhập cá nhân đã tạm nộp. Khi quyết toán xác định số thuế phải nộp dựa trên tổng thu nhập trừ đi số thuế đã nộp thì ra số thuế còn phải nộp. Tình huống truy thu là những giảng viên này khi thực hiện quyết toán đã không tính phần thu nhập thêm và cũng không có chứng từ khấu trừ thuế làm minh chứng.

Phạt nặng để răn đe?

Nhiều giảng viên đặt câu hỏi, tại sao nhiều năm qua cơ quan thuế không truy thu ngay mà lại dồn nhiều năm để truy thu? Với dữ liệu có sẵn, Tổng cục Thuế có thể chuyển danh sách cho các cục thuế tỉnh, TP để mời người nộp thuế quyết toán và nộp thuế còn thiếu.

Theo quy định, người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế được quyền truy thu số thuế còn thiếu trong vòng 10 năm. Trong trường hợp này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, tương đương 10,8%/năm, dẫn đến số tiền phạt, chậm nộp thuế từ năm 2014 đến nay lên đến gần 65%, 54%, 43,2% số tiền thuế thiếu. Thời gian càng dài thì khoản phạt càng nặng.

TS Lê Quang Dũng cho biết, Thông tư 156/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC đã quy định rõ, trường hợp người nộp thuế là cá nhân cư trú có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công có số thuế phải nộp thêm thì có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đã bị cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước còn bị xử phạt về hành vi khai sai theo quy định tại Điều 10 Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.

Tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC và Khoản 3, Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC cũng quy định các trường hợp cá nhân không phải kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau. Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh chỉ có một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán. Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo khai thuế tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng, đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng, đã nộp thuế tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Thời gian qua, để người nộp thuế biết và chủ động thực hiện nghĩa vụ, cơ quan thuế các cấp thường xuyên tuyên truyền, thông tin đến người dân dưới nhiều hình thức khác nhau về chính sách thuế thu nhập cá nhân. Đa số người nộp thuế đều chấp hành tốt các quy định về khai, nộp thuế đối với số thuế thu nhập cá nhân.

Cơ quan thuế các cấp cũng đã thường xuyên, rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các cá nhân, đặc biệt là các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập. Qua đó, đã kịp thời động viên đôn đốc các cá nhân khai, nộp bổ sung số thuế thu nhập cá nhân còn thiếu vào ngân sách Nhà nước.

Theo luật sư Phạm Quang Xá (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), chỉ cần bị truy thu một năm, phạt một năm, chắc chắn các năm sau người nộp thuế có nguồn thu nhập từ nhiều nơi sẽ tự giác đến quyết toán chứ không dám chờ cơ quan thuế gửi thông báo. Việc truy thu thuế được thực hiện sớm thì ngân sách Nhà nước đã thu được thuế sớm và người nộp thuế sẽ không bị phạt nặng như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ