Điều này góp phần tạo nguồn cung lao động chất lượng cao, có kỹ năng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Nhu cầu lao động có kỹ năng cao sẽ tăng
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, cuộc suy thoái kinh tế lần này do đại dịch gây ra đã làm GDP sụt giảm nhanh. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ. Thậm chí, Cục Thống kê lao động Mỹ từng dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 19,4% - mức cao nhất trong lịch sử cận đại.
Trong bối cảnh đó, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người. Từ đó kêu gọi khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động để góp phần phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Theo ông Trương Anh Dũng, việc ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch là việc hết sức cần thiết. Bởi theo ông Dũng, 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%.
“Thậm chí nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế coi kỹ năng lao động là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21. Bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phân tích.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Theo ông Trương Anh Dũng, bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng.
Nhiều lao động bị đào thải
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc-xin, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại.
Nghiên cứu mới đây của ManPowerGroup và Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, 94% doanh nghiệp FDI sẽ ứng dụng công nghệ mới trong 3 năm tới. Trong khi VCCI thì đưa ra con số 48% lao động cần đào tạo lại. 53% doanh nghiệp trong nước không dự báo được kỹ năng tương lai cho lao động của mình. Khảo sát của ADB cho thấy 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam chưa sẵn sàng với những thay đổi do Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới.
Theo ông Trương Anh Dũng, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động. Nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đây là nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ. Bởi thực tế vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thải. Do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm.
Về trung hạn và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề. Cần tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Đi cùng với đó là cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm, 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, thực hiện được giải pháp nêu trên cũng chính là thể hiện gắn chính sách vào cuộc sống. Bởi vì cuộc sống ở đây chính là sức sống của nền kinh tế, chính là nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Đây chính là nhu cầu kỹ năng để có việc làm thỏa đáng và thu nhập tốt, cho cuộc sống tốt đẹp hơn của từng người lao động. Đây cũng chính là cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và cả quốc gia trong tình hình mới.