Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nước ta không áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không còn áp dụng khai báo y tế nội địa. Cục Y tế Dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng thời điểm bỏ khai báo y tế chưa cụ thể.
Về khai báo khi nhập cảnh, Bộ trưởng Y tế cho biết đã yêu cầu phải trở lại trạng thái bình thường, tức chỉ khai báo theo điều lệ quốc tế, trong đó yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác.
Thực tế, khi dịch Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản, hữu hiệu trong thông điệp 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập. Thông điệp này 2 năm qua không chỉ được áp dụng tại nước ta mà phổ biến cả trên thế giới.
Dù vậy, hiện dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm, cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường, từng bước thích ứng, sống chung an toàn nên nhiều địa phương cũng đã đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh biện pháp 5K thành 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phù hợp với tình hình mới.
Mặt khác, dịch bệnh hiện đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua như số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đưa Covid-19 khỏi danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm) và xem như bệnh thông thường... nên việc bỏ khai báo y tế nội địa là vấn đề cần được cân nhắc.
Cần nhắc lại rằng cách đây chưa lâu, việc có nên dừng thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày hay không và Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình để chuyển biện pháp phòng chống dịch từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B... còn có ý kiến những ý kiến trái chiều.
Như với việc nên tiếp tục hay dừng công bố số ca nhiễm hàng ngày, ý kiến tán thành thì cho rằng khi con số đã không còn chính xác, không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh và không phù hợp với thực tế thì nên gỡ bỏ.
Ý kiến khác thì cho rằng, số ca mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch nhưng số ca mới sẽ luôn đi trước số chuyển nặng và tử vong nên nếu ngưng đếm, thả lỏng là buông xuôi, chưa thể được...
Hay với việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, dù đây là quan điểm đúng và hợp lý nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có lộ trình. Các chính sách phải được xây dựng phù hợp, sâu sát vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, khả năng đáp ứng điều trị bệnh khác nhau, trong khi Covid-19 có nhiều tính chất đặc thù, phức tạp...
Trong bối cảnh chung hiện nay, cách biện pháp phòng chống dịch cần có sự thay đổi nhằm thích ứng và phù hợp với diễn biến, tình hình mới. Tuy nhiên, điều quan trọng khi thực hiện là phải hết sức thận trọng, không vội vàng, chủ quan, lơ là hoặc đánh giá không đúng, không đủ về tình hình dịch bệnh.