Phân nhóm người mắc Covid-19
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Medlatec - nhận định, hiện tại, Việt Nam cần bỏ quan niệm cứ xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính là đã bị Covid-19. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, cần bỏ cách gọi một tên chung là F0. Bởi, danh từ này khiến khó phân biệt tất cả những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.
GS Trí đề xuất, khi xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (như tên gọi hiện tại là F0), có thể chia thành 3 nhóm. Trước hết, nhóm 1 là nhóm những người bị nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng. Đây là những người lành mang virus.
Trong khi đó, nhóm 2 là những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện triệu chứng nhẹ. Họ có triệu chứng như cảm cúm thông thường, gồm: Đau đầu, ho nhẹ, mệt mỏi thoáng qua... Nhóm 3 gồm những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện bệnh Covid-19 nặng hoặc rất nặng.
“Vấn đề ở đây không phải chỉ là tên gọi cho vui, mà gọi như vậy mới chính xác. Từ đó, không gây ra sự hoang mang quá mức (như ban đầu đại dịch Covid-19). Đặc biệt là có cách tổ chức phòng, chống và giải quyết hậu quả Covid một cách hữu hiệu nhất, không bị quá tải, không lúng túng”, chuyên gia gợi ý.
Cụ thể, nhóm 1 - trường hợp phổ biến nhất hiện nay, với khoảng 90% các người xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Nhóm này cần tự theo dõi và thực hiện tốt 5K để tránh làm lây nhiễm cho người khác. Trong khi đó, nhóm 2 cần tự cách ly ở nhà và thực hiện phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.
“Nhóm thứ 3 thì nhất khoát phải vào viện ở những nơi có đủ điều kiện để được điều trị. Cần tổ chức chăm sóc và tư vấn y tế trực tuyến cho nhóm 1 và 2. Nên được theo dõi chặt chẽ để đề phòng sự chuyển đổi của các nhóm này, đặc biệt là tình trạng nặng lên. Lưu ý là với nhóm nào thì 5K cũng là hết sức quan trọng”, GS Trí cho biết.
Theo chuyên gia, sự mạch lạc trong phân nhóm này giúp xây dựng những cách phòng chống cụ thể hơn, cũng như giải quyết các chế độ (như thanh toán bảo hiểm, chế độ nghỉ…) chính xác hơn. Đồng thời, tổ chức đời sống “bình thường mới” tốt hơn.
Bệnh lý chuyên khoa
Ngày 23/3, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 127.883 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 127.878 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.853 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 89.186 ca trong cộng đồng). Đây cũng là ngày thứ 7 liên tiếp Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới giảm so với 24 giờ trước đó. Các chuyên gia cũng đã nhận định, Việt Nam sẽ trải qua đỉnh dịch trong khoảng cuối tháng 3.
Hà Nội – “điểm nóng” của đợt dịch vừa qua cũng đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt sau khoảng thời gian ghi nhận 30.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Theo Bộ Y tế, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hà Nội (-3.009), Hòa Bình (-717), Tuyên Quang (-713). Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 146.192.
Theo GS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mới đây, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
“Tôi cho rằng, cần sớm đẩy nhanh ngay trong tháng 3 này, vì chúng ta đã hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận, điều trị Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa. Nghĩa là một bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như những bệnh về tiêu hóa, tim mạch hay tai mũi họng… Họ sẽ tìm đến chuyên khoa Covid ở các bệnh viện để khám và điều trị”, GS Hiếu nhận định.
Trước đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cũng cho rằng, đã đến thời điểm Việt Nam coi Covid-19 là bệnh lý đường hô hấp, tương tự như các bệnh đường hô hấp do những virus khác gây ra.
Điều đó đồng nghĩa là các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa Covid-19, hoặc đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Thậm chí, các bệnh viện có thể có những khoa điều trị riêng bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, công việc chẩn đoán và điều trị sẽ do bác sĩ lâm sàng thực hiện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM - cũng chia sẻ, hiện nay, đa số người dân sinh hoạt và làm việc cùng với Covid-19 như bệnh lưu hành. Theo ông, hiện, số lượng người mắc Covid-19 chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, người thuộc dạng tiếp xúc gần (F1) cần tự bảo vệ mình bằng khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
Bác sĩ Khanh cho rằng, các gia đình cần bảo vệ người nguy cơ cao như lớn tuổi, có bệnh nền. Theo chuyên gia này, trong thời gian tới, với những trường hợp có tiếp xúc người nhiễm (F1), nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, có thể bỏ qua xét nghiệm. Đồng thời, có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường.