Thay đổi diện mạo giáo dục từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Yên Bái

GD&TĐ -"Trường học hạnh phúc" là mô hình thi đua đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo ngành giáo dục Yên Bái trong những năm qua.

1 tiết học STEM tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. (Ảnh: ĐVCC)
1 tiết học STEM tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. (Ảnh: ĐVCC)

Mô hình "Trường học hạnh phúc” của UNESCO (lấy cảm hứng từ mô hình Happy School) và chỉ đạo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Sở GD&ĐT Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” một cách bài bản, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.

Những năm qua, Sở GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua "Trường học hạnh phúc” trong toàn ngành. Hướng dẫn khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng trường học hạnh phúc.

1000019763.jpg
Trường Mầm non Tú Lệ, huyện Văn Chấn sôi nổi hoạt động trải nghiệm cho học sinh. (Ảnh: ĐVCC)

Lồng ghép chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc trong các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Đưa nội dung xây dựng trường học hạnh phúc vào biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngành giáo dục nghiêm túc thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, định hướng, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Cụ thể hóa và triển khai phù hợp với ngành giáo dục và đào tạo, trong đó tiếp tục phát động và đẩy mạnh Phong trào "Thầy cô thay đổi - Trường học hạnh phúc" và "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui",… với mong muốn góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh.

UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ sở giáo dục đã tích cực hưởng ứng phong trào và xây dựng kế hoạch triển khai mô hình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Trong năm đầu triển khai (năm học 2021 - 2022), Sở GD&ĐT đã chọn 4 trường tại thành phố Yên Bái để thực hiện thí điểm.

Trong quá trình triển khai, Sở GD&ĐT đã thường xuyên học tập, xin ý kiến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia để điều chỉnh cho phù hợp; thành lập đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).

1000019760.jpg
Các em học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn sôi động trong 1 tiết học STEM. (Ảnh: ĐVCC)

Tổ chức Hội thảo "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”…; đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Phong trào xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” trong toàn ngành với nhiều hình thức phong phú.

Sở GD&ĐT Yên Bái cũng đã chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo các tiêu chí "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt công tác chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát huy năng lực sở trường, sự sáng tạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Xây dựng bầu không khí tâm lý thuận lợi, tập thể sư phạm đoàn kết trong từng đơn vị; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình trường học gắn với thực tiễn, cụ thể hóa mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương…

Thông tin từ Sở GD&ĐT Yên Bái, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 400 trường đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” đạt tỷ lệ 88,7%, tăng 104 trường so với năm học trước.

Qua đó cho thấy, việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục và đào tạo.

Trường học hạnh phúc cũng góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng giáo dục và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.