Khi thầy cô là người bạn đồng hành

GD&TĐ - Trong nhiều diễn đàn của học sinh, có ý kiến cho rằng, nếu thầy, cô giáo dành thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của các em thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi…

Sự đồng hành, thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ của giáo viên đối với học sinh sẽ góp phần xây dựng trường học hạnh phúc
Sự đồng hành, thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ của giáo viên đối với học sinh sẽ góp phần xây dựng trường học hạnh phúc

Nhận diện áp lực

Học sinh cũ của một trường THPT chuyên viết thư chia sẻ với thầy Hiệu trưởng: “Em trúng tuyển vào trường với rất nhiều tự ti, cô đơn và lạc lõng. Vừa bị áp lực từ phía thầy giáo dạy đội tuyển, vừa thêm áp lực từ những lời căn dặn của các thầy cô giáo phải học làm sao để xứng đáng với truyền thống của trường. Em áp lực lắm và cũng suy sụp tinh thần lắm”.

Thành tích cũng như sự kỳ vọng vào những tiến bộ nhanh chóng, vượt bậc của học sinh, trong rất nhiều trường hợp, trở thành một áp lực của cả giáo viên và các em.

Từng nhiều năm làm quản lý giáo dục ở các vị trí khác nhau, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, không ít giáo viên tự tạo áp lực về chất lượng cho mình và rồi từ đây sẽ tạo áp lực lên học sinh.

Trong khi đó, với chuẩn giáo dục thì số học sinh trung bình sẽ là số đông chứ không phải là học sinh khá, giỏi. Việc giáo viên mong muốn có nhiều học sinh khá, giỏi nên cứ “đôn” những kiến thức khó cho học sinh khiến cả hai bên luôn bị căng thẳng.

Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) tham vấn tâm lý cho học sinh.
Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) tham vấn tâm lý cho học sinh.

Thậm chí áp lực còn đến từ cả những quan tâm, lo lắng thái quá của phụ huynh. Rồi học sinh không ngoan nên có lúc, có nơi, giáo viên không giữ được bình tĩnh trong xử lý tình huống…

Một giáo viên ở Đà Nẵng được đánh giá có chuyên môn tốt, đạo đức tốt nhiều năm liền nhưng đã dùng roi đánh học trò vì các em bị ghi sổ đầu bài, kéo thành tích thi đua của lớp đi xuống.

Lớp cô giáo này chủ nhiệm luôn giữ vững danh hiệu học tập, kỷ luật cũng như các hoạt động phong trào của nhà trường. Nhưng sau đợt kiểm tra học kỳ, một số em có tâm lý “xả hơi” nên buông lỏng học tập. Các em bị giáo viên bộ môn ghi sổ đầu bài, kéo theo thành tích thi đua của lớp đi xuống.

Cô giáo đã dùng roi đánh vào mông học trò. Đòn roi trong lúc nóng nảy sẽ xả được cơn giận của người giáo viên. Vết roi trên cơ thể học sinh sẽ mờ đi chỉ sau vài ba ngày, nhưng “vết hằn” trong tâm hồn các em thì sẽ còn mãi khi nhớ về những ngày tháng đi học.

Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ

Trong một hội thảo về Kỷ luật tích cực trong trường học, cô Phạm Thị Thu Trang (Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện học sinh được cảm hóa từ sự yêu thương và tin cậy của giáo viên.

V. học lớp 6, nhưng lớn hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi vì ở lại lớp. Cậu bé có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: mẹ mất sớm, ba đi làm thuê, anh thì đi phụ xe, gia đình không có chỗ ở ổn định.

Một hôm, do gây gỗ xích mích với các bạn lớp bên, V. bị cô giáo chủ nhiệm lớp bạn trách mắng. Em cãi lại và bị cô giáo tát, yêu cầu viết bản kiểm điểm.

V. hứa sẽ viết và không tái phạm. Thế nhưng, em vẫn tiếp tục phạm lỗi, không đánh bạn này thì đánh bạn khác. Hạnh kiểm cuối năm của em xếp loại trung bình.

“Lên lớp 7, V. vẫn là học trò phá phách, lười học, thích chọc ghẹo, đánh bạn; nhưng tôi không có định kiến theo kiểu “nhìn mặt đặt tên”. Thay vào đó, tôi gần gũi với học trò hơn, chịu khó tìm hiểu và lắng nghe em chia sẻ để biết những khó khăn, giúp em tự tìm ra hướng giải quyết vấn đề của bản thân"" – cô Trang kể. 

V. được cô giáo tuyên dương, khen thưởng trước lớp khi hoàn thành được nhiệm vụ cô giao. Dần dần, em vượt qua mặc cảm và nhận thấy mình có thể làm được nhiều việc có ích. Em thấy được vai trò của mình trong tập thể, được hòa đồng cùng các bạn trong học tập cũng như vui chơi…”.

Trần D.T. (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) được xem là một trong những điển hình cho sự thành công của công tác tham vấn học đường.

Hai năm lớp 10 và lớp 11, T. liên tiếp T. bị xếp loại hạnh kiểm yếu, thường xuyên có tên trong danh sách những học sinh vắng học không phép, đi học trễ, không đúng tác phong, gây gỗ đánh nhau với bạn bè, hút thuốc…  

Giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cùng những xung đột tâm lý của T. để  tìm cách tiếp cận phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ: “Trong khi trò chuyện với những học sinh như T., giáo viên phải tránh sự áp đặt các hướng giải quyết. Lắng nghe các em là quan trọng rồi, nhưng cũng không được đưa ra những lời khuyên chung chung như thôi em cố gắng lên, tập trung học hành, đừng bỏ tiết nữa… Phải gợi mở, phân tích để các em chọn cho mình hướng giải quyết”.

Cũng theo kinh nghiệm của cô Huệ, trong quá trình cảm hóa học sinh, hầu như trường hợp nào, các em cũng có phản ứng khi giáo viên tiếp cận nên chỉ cần mình nản lòng là “mất” học sinh ngay tức thì.

Cứ kiên trì như thế, qua hết học kỳ I năm học lớp 12., T. đã có những tiến bộ trong học tập, đi học chuyên cần, ghi chép bài đầy đủ, tham gia phát biểu xây dựng bài và không tham gia các hoạt động gây rối, đánh nhau trong và ngoài trường học. Cùng với những nỗ lực của bản thân, sự động viên, kèm cặp của thầy cô giáo, T. đủ điểm để đỗ tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ