Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa

Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa

Dựng lều "bắt sóng" học trực tuyến

Trước hết phải kể đến sự cố gắng vươn lên học tập của nhiều học sinh ở vùng hẻo lánh, không có sóng điện thoại, không ti vi hay có kênh nào khác hỗ trợ việc học trong thời gian tạm nghỉ đến trường để phòng dịch Covid-19. Trong vùng không phủ sóng điện thoại hoặc có nhưng sóng yếu, các em đã tìm ra những điểm “sóng rơi”, nơi điện thoại có tín hiệu đủ mạnh để giao nhận bài hoặc tham gia lớp học trực tuyến.

Em Vàng A Đơ, người Mông - học sinh lớp 12C Trường PTDTNT THPT Miền Tây tỉnh Yên Bái là một điển hình vượt khó học online. Em Đơ sống ở thôn Làng Mảnh, xã Tà Xí Láng - một xã thuộc vùng cao của huyện Trạm Tấu. Tại thôn không có sóng điện thoại phủ, em đã đi tìm nơi có sóng điện thoại ở các quả đồi lân cận. Tìm được nơi có sóng cách nhà 4 km trên đồi cao, Đơ dựng lều và hằng ngày lên lều “bắt sóng” học online trên điện thoại.

Cô Hà Bích Ngọc- Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây tỉnh Yên Bái cho biết: Trong 407 học sinh toàn trường có khoảng hơn 30% học sinh không có thiết bị và ở nơi không có sóng điện thoại, có em nhà cách trường đến 100km. 

Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa ảnh 1
Túp lều tạm do học sinh người Mông - Em Vàng A Đơ dựng lên để "bắt sóng" học online trên điện thoại. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Nhiều học sinh trong số đó đã không quản ngại khó khăn, hàng ngày đi hàng chục km đến nhà bạn, nhà người quen để “ké sóng” điện thoại học online, có học sinh lên rừng, lên đồi dò “bắt” sóng, dựng lán tạm để học, online giao nhận bài.

Trong thời gian này, việc học của học sinh cuối cấp được Trường THPT Hoàng Văn Thụ được quan tâm hơn khối khác. Thầy Phạm Văn Thư- Hiệu trưởng- cho biết, trường có 425 học sinh lớp 12, trong đó có 100 em không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà ở khu không có sóng hoặc sóng yếu.

Để thực hiện được công tác dạy học trực tuyến, nhà trường một mặt nâng cấp băng thông mạng Internet, tập huấn giáo viên thành thục giảng dạy trực tuyến. 

Mặt khác giao cho các giáo viên chủ nhiệm rà soát học sinh khó khăn trong tiếp cận học trực tuyến để hỗ trợ, em nào ở chỗ không có sóng hoặc sóng yếu, khuyến khích các em tìm đến nơi có thể bắt sóng để học theo đúng thời khóa biểu; Học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cho mượn máy tính bảng để học trực tuyến. Do vậy, đến nay tỷ lệ học sinh lớp 12 tham gia học trực tuyến của trường đạt trên 96%, cao nhất trong 3 khối lớp.

Giao bài tập đến học sinh qua ống nhựa

Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa ảnh 2
Giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ soạn giáo án dạy học online

Có được những kết quả đó, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Yên Bái bằng việc ban hành Kế hoạch tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Thực hiện kế hoạch này, Sở GD&ĐT Yên Bái đã có nhiều hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn; Các huyện, thị đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy học theo yêu cầu tỉnh, huy động các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc hỗ trợ các nhà trường trong việc dạy và học, trong đó phải kể đến lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ giao bài cho học sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu- Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Yên Bái: ở các huyện có nhiều học sinh khó tiếp cận với các điều kiện học trực tuyến qua internet, học qua truyền hình, Sở đã sớm chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai hiệu quả giải pháp giao bài tập đến học sinh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tại huyện Trạm Tấu, một trong các huyện khó khăn nhất của tỉnh, ban đầu trong hơn 3.000 học sinh Tiểu học và THCS, chỉ có khoảng 5,2% học sinh học trực tuyến qua mạng internet.

Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa ảnh 3
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca giao bài tập đến học sinh ở các thôn, bản xã Hồng Ca qua ống nhựa.

Ngay từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu chỉ đạo giáo viên xây dựng kho bài tập, photo bài, lập danh sách học sinh và phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện, các xã, trưởng các thôn, bản để chuyển bài tập trực tiếp đến tận thôn bản, đến từng nhà học sinh một lần/tuần.

Nhờ giải pháp giao bài tận nhà, đã có 86% học sinh của huyện được nhận bài tận nhà; Góp phần nâng đáng kể tỷ lệ học sinh được tiếp cận giáo dục từ xa bằng các hình thức lên 98,5%, đáp ứng được mục tiêu “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Huyện Trấn Yên, là một đơn cử nữa về giao bài tập và có mô hình đặc biệt sáng tạo nhằm đạt mục tiêu “-không dừng việc học” xuất phát từ Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca. Đây là một xã vùng cao của huyện, không xem được truyền hình, không có đường mạng internet, sóng điện thoại yếu, khó triển khai dạy học trực tuyến.

Những tuần trước đây số lượng học sinh được học trực tuyến không nhiều, do vậy các thầy, cô giáo ở đây đã sáng tạo ra cách đưa bài đến thôn bản và để trong các ống nhựa tận nhà học sinh. Ý tưởng được thực hiện từ 15/3 và được chính quyền, nhân dân và phụ huynh ở đây rất ủng hộ. 

Thầy cô giao bài về thôn bản qua... ống nhựa ảnh 4
Học sinh nhận bài tập qua ống nhựa.

Theo đó, cứ sáng thứ Hai hằng tuần, giáo viên đi đến tận thôn bản, cả nơi có học sinh xa nhất để phát bài và nhận bài đã làm của học sinh. Nhờ vậy, 100% học sinh trong vùng không bị gián đoạn quá trình giáo dục; Từ mức có tỷ lệ thấp học sinh được tiếp cận các hình thức giáo dục từ xa, tỷ lệ này của huyện đã đạt trên 98%.

Nhờ những giải pháp hiệu quả trên đây, đến nay kết quả triển khai dạy học qua 3 hình thức: Dạy học trực tuyến, hướng dẫn học trên truyền hình và giao bài tập cho học sinh của tỉnh Yên Bái hiện đã đi vào nền nếp. Toàn tỉnh hiện có 75% học sinh Tiểu học, 75,2% học sinh THCS (trong đó 96,5% học sinh lớp 9) và trên 98,5% học sinh THPT và 75,2% học viên GDTX được tham gia các hình thức học tập.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Yên Bái, thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và kế hoạch của tỉnh, bậc học mầm non toàn tỉnh đã thực hiện hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình qua nhóm zalo, viber, messenger, email; đối trẻ vùng dân tộc thiểu cung cấp tài liệu, hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh tạo môi trường để trẻ được giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Việt. Kết quả đến nay có 99,1% số lớp/trường đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn trực tuyến, qua video cho phụ huynh nội dung chăm sóc, giáo dục, dạy kỹ năng cho trẻ tại gia đình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.