Dồn lớp, dời học sinh đến nơi an toàn
Cô Vi Thị Huế - GV điểm trường Lưu Thắng, Trường Mầm non xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cẩn thận gom nhặt lại bộ thẻ chữ, số trong chiếc tủ đã xiêu vẹo, hư hỏng. “Mỗi bộ như thế này nếu mua mới là 70.000 đó, tìm nhặt lại cho các cháu học, chứ đợt bão vừa rồi mưa lũ, đất đá cuốn trôi hoặc vùi lấp hết cả đồ dùng, đồ chơi”.
Sau trận bão số 3, điểm bản Lưu Thắng bị sập 1 phòng học kiên cố và 1 nhà ăn. Để giúp đỡ cô trò, đầu tháng 8, chính quyền xã Chiêu Lưu đã huy động cán bộ, các đoàn thể, đoàn thanh niên và bà con nhân dân, thuê máy xúc để giải tỏa lượng bùn đất “bao vây”. Riêng 2 phòng học và bếp ăn dựng bằng gỗ buộc phải tháo dỡ, không thể sửa chữa được vì trước đó đã đổ sập hoàn toàn.
Cô Doãn Thị Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Điểm trường Lưu Thắng năm học này có 39 cháu. Hiện giải pháp trước mắt đưa ra là vệ sinh sạch sẽ phòng học kiên cố bằng nhà xây để đón trẻ. Còn số cháu bị mất phòng học sẽ chuyển sang học tại nhà văn hóa cộng đồng gần đó. Tuy nhiên, bếp ăn bị sập, việc tổ chức bán trú cho các cháu sẽ khó thực hiện được. Không tổ chức ăn bán trú, trưa các cháu phải về nhà, sẽ rất vất vả và ảnh hưởng đến nề nếp sinh hoạt; các cô cũng không chăm sóc cháu được tốt hơn”.
Tại bản Na Mỳ (xã Mường Típ) nước lũ cũng cuốn trôi 2 gian phòng học bán kiên cố của trường tiểu học cùng với bàn ghế, sách vở; cuốn trôi nhà vệ sinh, nhà ăn, bếp, bể nước của trường mầm non. Để đảm bảo an toàn cho học sinh tại điểm bản này, các nhà trường đã chuyển các em về điểm trường chính hoặc điểm bản lân cận; cố gắng để các em ổn định chỗ học khi bước vào năm học mới.
Các cô giáo mầm non tìm đồ dùng, đồ chơi vẫn còn sử dụng được |
Mặc dù nhà công vụ bị cuốn trôi nhưng giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) không lo lắng về chỗ ăn ở của mình bằng lo cho học sinh. Thầy Lê Quỳnh Lưu - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Năm học 2018 - 2019, trường có 291 học sinh ở tất cả 8 điểm trường. Tuy nhiên, trường phải giảm 4 lớp theo quy hoạch được phê duyệt. “Trước tình trạng trên, chúng tôi thực hiện đưa học sinh lớp 4, 5 ở các bản Xốp Xăng, Xốp Phong, Ái Khe, Huồi Khe về điểm trường chính ở bản Xốp Lau. Đồng thời, tăng sĩ số lên 37 em/lớp. Còn các điểm trường khác ở quá xa gồm Nha Nang, bản Pụng, Huồi Phong thì giữ nguyên như năm học trước”, thầy Lưu cho hay.
Không quên vận động học sinh đến trường
Trường PTDTBT THCS Nậm Típ là trường dành cho học sinh 2 xã Mường Típ, Mường Ải. Chịu thiệt hại do cơn bão số 3, hệ thống bờ rào lưới quanh trường, bể nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của học sinh bị cuốn trôi. Thầy Hoa Văn Ngành - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nhà vệ sinh tuy là công trình phụ, nhưng đối với trường bán trú, nơi có gần 300 học sinh ăn ở, sinh hoạt trong trường thì lại là vấn đề đáng ngại. Hiện trường đang gấp rút khắc phục, cố gắng bằng mọi cách xây lại bể nhà vệ sinh cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu”.
Trước đó, ngày 11/8, nhà trường đã gửi văn bản và điện thoại cho các trưởng bản thông báo lịch đến trường cho học sinh. Giao trách nhiệm nắm bắt thông tin học sinh của từng bản cho các giáo viên phụ trách. Nếu thiếu em nào, thì phải biết được nguyên nhân vì sao, do các em ốm đau, muốn nghỉ học, hay đang bận đi rẫy cùng gia đình…
Thầy Ngành chia sẻ: Vì là trường bán trú, các em phải có mặt tại trường sớm, để ổn định sĩ số, phân phòng ở, dọn dẹp vệ sinh… “Đối với học sinh lớp 6 mới nhập học, phải dạy cho các em làm quen với nề nếp sinh hoạt bán trú. Ngoài ra, những em nào kết quả năm học trước chưa đạt thì được thầy cô tập trung phụ đạo, cho thi lại và quyết định lên lớp hay lưu ban. Mặt khác, học sinh của trường đều cách xa nhà hàng nửa ngày đi bộ. Vì thế, khi các em tới trường, chúng tôi tổ chức ăn, ở bán trú luôn”, thầy Ngành nói.
Cô giáo Vi Thị Huế |
Cũng theo quy định, các nguồn hỗ trợ, chính sách cho học sinh vùng biên giới, con em đồng bào dân tộc thiểu số… chỉ được chi trả từ tháng 9, khi học sinh khai giảng, bước vào học chính thức. Nhưng nhằm kéo và giữ học sinh ở trường, trong suốt 2 tuần của tháng 8 Trường PTDTBT THCS Nậm Típ đã trích ngân sách, thậm chí trích lương giáo viên để nuôi ăn học sinh.
Xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) là một địa bàn rộng lớn, phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vẫn còn tệ nạn ma túy. Có nhiều bản cách xa hàng nửa ngày đi bộ, cũng có bản nằm ở vùng lòng hồ không hề có sóng liên lạc như Xốp Cháo, Cà Moong. Để giữ sĩ số học sinh đầu năm, các nhà trường của cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS đều phải rải thầy cô đi đón trò.
Thầy Trần Văn Dương – Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lượng Minh - cho biết: Trường chúng tôi giao cho 3 giáo viên phụ trách 1 bản, từ ngày 6/8 đã đi “gọi trò” đến lớp. Đây là việc thường niên mỗi dịp chuẩn bị năm học mới. Đặc biệt là điều tra phổ cập số học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 - độ tuổi cần được quan tâm đầu tiên, vì thực tế nhiều em lo sợ lên cấp 2 đi học xa nhà không có tiền, không có quần áo, chỗ ở.
Năm nay, qua điều tra phổ cập, có 4 em học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 ở các bản Minh Phương, Minh Tiến, Cham Puông và bản Đựa có hoàn cảnh rất khó khăn. Các thầy cô giáo phụ trách tìm đến nhà nhưng các em này đang theo gia đình đi rẫy. Qua trưởng bản, các thầy cô giáo hứa ngoài sách giáo khoa sẽ mua tặng các em quần áo, bút vở và chuẩn bị chỗ ở bán trú trong trường để các em yên tâm đi học.
Được biết, Trường PTDTBT THCS Lượng Minh năm học 2018 - 2019 có 281 học sinh, trong đó có 71 em từ lớp 5 lên lớp 6. Sau ngày tựu trường 20/8 đã có phụ huynh của hơn 60 em lớp 6 đến nhập học cho con. Nguyên nhân vắng học sinh một phần do đang mùa rẫy, nhiều em theo bố mẹ đi rừng chưa kịp về. Lý do khác là ảnh hưởng mưa lũ, đường sá sạt lở, nước sông suối vẫn dâng cao nên các em chưa thể tới trường.
Thầy Dương cũng cho biết: “Ngày 27/8 sẽ bắt đầu học chính thức, lúc đó nếu còn vắng em nào thì trường sẽ cử thầy cô phụ trách về tận nhà, thậm chí lên tận rẫy để đón học sinh”.